BVSC: Vị thế của PNJ trong mảng trang sức sẽ được củng cố sau dịch COVID-19

11:30' - 25/04/2020
BNEWS Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dịch COVID-19 làm giảm lợi nhuận của PNJ trong ngắn hạn nhưng nhiều khả năng vị thế của PNJ trong mảng trang sức sẽ được củng cố.

Trong báo cáo cập nhật về kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ), nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, dịch COVID-19 làm giảm lợi nhuận của PNJ trong ngắn hạn nhưng nhiều khả năng vị thế của PNJ trong mảng trang sức sẽ được củng cố.

Kết thúc quý I/2020, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế đạt 408 tỷ đồng, giảm 5%, hoàn thành 26% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch lợi nhuận năm 2020. Kết quả này chủ yếu do ảnh hưởng kể từ tháng 3/2020 khi Việt Nam bước vào giai đoạn phòng chống dịch COVID-19.

Năm 2020, PNJ đưa ra chỉ tiêu kinh doanh gồm doanh thu thuần 19.020 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện 2019; lợi nhuận sau thuế là 1.349,5 tỷ đồng, tăng trưởng 13%. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đến từ BVSC dự báo kết quả kinh doanh 2020 của PNJ do tác động của COVID-19 đến sức mua trang sức với doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 23% và 31%.

Các chuyên gia BVSC phân tích, mặc dù kỳ vọng dịch COVID-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam trong quý II/2020 nhưng tốc độ hồi phục sức mua của thị trường trang sức sẽ bị giới hạn do thu nhập người dân trong ngắn hạn còn bị ảnh hưởng, đặc biệt tại khu vực dịch vụ. BVSC cho rằng doanh thu PNJ trong quý II/2020 sẽ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng do ảnh hưởng từ giai đoạn giãn cách xã hội trong tháng 4 và tác động của dịch đến tâm lý và thu nhập của người dân.

Sau đó, tình hình kinh doanh sẽ dần cải thiện trong quý III/2020 và đặc biệt quý IV/2020 được hỗ trợ bởi các sự kiện lễ cuối năm. Cụ thể, BVSC dự báo doanh thu 3 quý còn lại của PNJ lần lượt là 2.101 tỷ VND (-29%), 3.345 tỷ VND (-15%) và 5.035 tỷ VND (-5%).

Với doanh thu dự báo bị ảnh hưởng đáng kể trong quý II/2020, lợi nhuận của PNJ sẽ gặp khá nhiều thách thức. Tuy nhiên các chính sách tiết giảm các loại chi phí nhân viên và mặt bằng (chiếm 66% tổng chi phí bán hàng trong năm 2019) cũng như chi phí khác bao gồm quảng cáo tiếp thị kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực lên lợi nhuận trong kỳ.

Theo PNJ, trong trường hợp doanh thu bán lẻ giảm 75% thì PNJ sẽ đạt mức hòa vốn và ghi nhận khoảng mức lỗ 60 tỷ đồng/tháng nếu 100% cửa hàng thuộc hệ thống đóng cửa.

Lãnh đạo PNJ chia sẻ, nhằm ứng phó với dịch COVID-19, PNJ thúc đẩy kênh online và các cửa hàng ngoài vùng dịch vẫn còn hoạt động với việc cơ cấu lại danh mục sản phẩm cho phù hợp, ưu tiên các sản phẩm mang hàm lượng cao, phù hợp với tâm lý tích trữ trong giai đoạn dịch.

Bên cạnh đó, công ty cũng đàm phán giảm giá thuê mặt bằng bình quân khoảng 15-20% trong 3-6 tháng. Khoảng 40% đối tác đã chấp nhận điều chỉnh giá thuê. Về chi phí lương, ban điều hành giảm 50% lương cấp quản lý và nhân viên tạm thời áp dụng 2 ngày làm việc không lương/tuần.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, PNJ tiến hành cơ cấu hàng tồn kho, ưu tiên sản xuất các sản phẩm trang sức mang hàm lượng vàng cao với thanh khoản tốt hơn, ngừng nhập hàng mới. Với đặc trưng của ngành nghề và lợi thế sở hữu chuỗi sản xuất hoàn chỉnh, giá trị hàng tồn kho của PNJ có tính thanh khoản cao, ít chịu rủi ro hàng tồn lỗi mốt. PNJ cũng cơ cấu lại các khoản vay và ngừng các dự án đầu tư mới, tăng số dư tiền mặt, tối ưu hóa dòng tiền.

Tận dụng giai đoạn thấp điểm của hoạt động kinh doanh do dịch, PNJ tiến hành các hoạt động đào tạo, phát triển và hợp lý hóa sản phẩm và chiến lược mới chuẩn bị cho giai đoạn hồi phục sau dịch. Cụ thể, khối sản xuất dành thời gian nghiên cứu sản xuất các sản phẩm trang sức cao cấp thường phải nhập khẩu trước đây, qua đó giảm tỷ lệ nhập khẩu đáng kể và tiết giảm chi phí.

Ngoài ra, các sản phẩm trang sức bạc với chi phí hợp lý được kỳ vọng sẽ thu hút nhu cầu mua sắm trở lại của nhóm khách hàng trẻ. Tranh thủ cơ hội để cơ cấu lại hệ thống cửa hàng, tiếp cận các mặt bằng bán lẻ mới có triển vọng tốt bị ảnh hưởng ngắn hạn bởi dịch COVID-19, hỗ trợ triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Với các chính sách tiết giảm chi phí và tối ưu hóa dòng tiền thông qua điều chỉnh tồn kho, nhóm nghiên cứu đến từ BVSC kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt tác động đến lợi nhuận của PNJ.

BVSC cũng cho rằng, ngoài tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh ngắn hạn của PNJ, dịch bệnh cũng tạo ra cơ hội nhiều hơn cho doanh nghiệp trong trung hạn và dài hạn nếu biết nắm bắt. Cụ thể, hậu COVID-19, vị thế của PNJ trong mảng trang sức tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ được củng cố và nâng cao hơn khi cửa hàng nhỏ lẻ cũng như chuỗi bán lẻ với năng lực kém nhiều khả năng rời bỏ thị trường, để lại khoảng trống để PNJ có thể tận dụng phát triển.

Bên cạnh đó, nhóm phân tích đến từ BVSC cũng nhận định, các thương hiệu bán lẻ lớn toàn cầu trước đó được cho rằng đang theo dõi và có ý định tham gia vào thị trường Việt Nam, có lẽ cũng cần thêm thời gian để phục hồi và củng cố các thị trường truyền thống, qua đó giúp PNJ có thêm thời gian củng cố hơn và phát triển hơn nữa năng lực cạnh tranh trong thị trường trang sức đầy tiềm năng của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Nhóm chuyên gia của BVSC cũng dự báo, tăng trưởng năm 2021 của PNJ sẽ tích cực khi sức mua tiếp tục hồi phục từ mức thấp của 2020 và kỳ vọng xu hướng chuyển dịch sang sản phẩm trang sức có thương hiệu bên cạnh chính sách phát triển các sức đẩy của PNJ hậu COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục