Ca ghép phổi đầu tiên của Việt Nam – thành tựu của ngành y tế

21:16' - 24/02/2017
BNEWS Bệnh viện Quân Y 103 đã thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam.
Bệnh viện Quân Y 103 thực hiện ca ghép phổi từ người sống đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: vietnamnet

Tối 24/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm, tặng quà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam tại Bệnh viện Quân y 103.

Bộ trưởng chúc mừng, đánh giá cao nỗ lực của Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam. Đây chính là thành tựu của ngành y tế Việt Nam. Hiện nay, bệnh nhân đã tỉnh táo. Như vậy, cơ bản ca ghép đã thành công.

Bộ trưởng đề nghị thời gian tới, Bệnh viện cần có mối liên hệ chặt chẽ với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng để có nguồn tạng ghép cho bệnh nhân; đồng thời tham gia thêm vào hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu …

Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết: Người được ghép phổi là cháu Ly Chương Bình (sinh năm 2010), người dân tộc Dao. Người cho phổi là anh Ly Cù G. (sinh năm 1989, bố đẻ cháu Ly Chương Bình) và ông Ly Cù T. (sinh năm 1987, là bác ruột của cháu Bình). Gia đình đang sống tại thôn Na Cạn, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Ca ghép phổi được tiến hành vào ngày 21/2, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút thì hoàn tất và đưa bệnh nhân trở về phòng hậu phẫu chăm sóc. Sau mổ, sức khỏe của bố và bác ruột (hai người cho phổi bệnh nhân) đều ổn định. Cháu Bình, người nhận phổi đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định và đang được điều trị tích cực.

Nói về ca ghép phổi thành công đầu tiên này, Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết: Ghép phổi là kỹ thuật ghép rất khó trong y học vì phổi không như những bộ phận khác. Phổi là cơ quan hô hấp cung cấp oxy cho cơ thể.

Tất cả sự thay đổi, vi trùng đều ảnh hưởng tới phổi. Ghép phổi khó khăn bởi khả năng nhiễm trùng của bệnh nhân rất cao. Phổi của bệnh nhân Lý Chương Bình đã bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi, bị nhiễm trùng thường xuyên.

Từ 2 tháng tuổi, bệnh nhân đã có biểu hiện khò khè khó thở. Mỗi lần bệnh nhân khóc đều tím tái toàn thân nên phải thay cả 2 lá phổi cho bệnh nhân. Một điều rất khó khăn là nguồn tạng hiến rất khan hiếm từ trước tới nay. May mắn thay, 2 người hiến phổi cho cháu là 2 người thân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục