Cà Mau phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 2 tỷ USD vào năm 2020

09:48' - 18/05/2017
BNEWS Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đang tích cực triển khai Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm.

Đề án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn thứ nhất từ 2017 - 2020, giai đoạn thứ hai từ 2021 - 2030.

Cà Mau phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 2 tỷ USD vào năm 2020. Ảnh: Reuters

Theo đó chỉ tiêu đến năm 2020 tỉnh Cà Mau phấn đấu diện tích nuôi tôm là 280.000 ha; trong đó nuôi quảng canh cải tiến là 267.000 ha, nuôi thâm canh và bán thâm canh là 12.000 ha, nuôi siêu thâm canh là 1.000 ha.

Năng suất bình quân đạt khoảng 1 tấn/ha/năm, sản lượng đạt 280.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.

Đến 2030 diện tích nuôi ổn định ở mức 280.000 ha; trong đó nuôi quảng canh cải tiến là 265.000 ha, giảm 2.000 ha so với năm 2020, nuôi thâm canh và bán thâm canh là 13.000 ha, tăng 1.000 ha, nuôi siêu thâm canh 2.000 ha, tăng 1.000 ha.

Năng suất bình quân chung tăng từ 1 tấn/ha/năm lên khoảng 1,48 tấn/ha/năm; Sản lượng đạt 415.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án, tỉnh Cà Mau tập trung tuyên truyền sâu rộng nội dung của Đề án, đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý và người nuôi tôm; chủ động nghiên cứu và đúc kết kinh nghiệm những quy trình nuôi, công nghệ mới có hiệu quả bền vững.

Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường ở một số vùng nuôi tập trung để kịp thời dự báo, phát hiện khi có sự cố xảy ra; nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, tăng cường khâu kiểm dịch tôm giống.

Ngoài ra, t hành lập Tổ tư vấn về tích tụ ruộng đất, hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục hành chính để tích tụ ruộng đất, tư vấn về kỹ thuật cũng như đánh giá tác động môi trường và bảo về môi trường.

Xây dựng mô hình thí điểm, nhân rộng điển hình, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; mô hình doanh nghiệp xã hội trong nuôi tôm; mô hình Hợp tác xã kiểu mới trong nuôi tôm; mô hình liên kết chuỗi giá trị ngành hàng tôm.

Đồng thời, tỉnh cũng tiến hành xây dựng thương hiệu tôm sú Cà Mau; đồng thời lựa chọn doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp có chất lượng, uy tín, năng lực để tổ chức kết nối và có chính sách hỗ trợ đầu tư vùng nuôi, hộ nuôi tôm.

Tỉnh có chính sách khuyến khích doanh nghiệp có năng lực sản xuất tôm giống sạch cung cấp cho người nuôi tôm...

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, nghề nuôi tôm hiện nay ở tỉnh Cà Mau rất bấp bênh, thiếu tính bền vững, do đa phần nuôi theo quy mô nông hộ, dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, gây trở ngại lớn đối với người nuôi tôm...

Tuy sản lượng tôm nuôi hàng năm có tăng nhưng không đáng kể, chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục