Cá nhân "bán chui" cổ phiếu phải chịu mức phạt cao nhất là bao nhiêu?

10:04' - 12/01/2022
BNEWS Những vụ việc vi phạm liên quan đến mua bán cổ phiếu không công bố thông tin đi kèm thêm việc giá cổ phiếu giảm mạnh khiến cổ đông cảm giác bức xúc vì như bị đánh "úp" và không kịp trở tay.

Theo quy định của pháp luật về chứng khoán tại Việt Nam, người nội bộ của doanh nghiệp và người có liên quan đến người nội bộ phải công bố bản đăng ký giao dịch cổ phiếu trước ngày dự kiến giao dịch tối thiểu ba ngày làm việc.

Quy định này giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ biết về giao dịch của người nội bộ trước khi chúng diễn ra, để từ đó đưa ra quyết định đầu tư cho riêng mình.

Việc người nội bộ mua lượng lớn cổ phiếu không chỉ trực tiếp làm tăng nhu cầu với cổ phiếu đó trên thị trường mà còn thể hiện niềm tin vào tương lai của doanh nghiệp, khiến nhiều nhà đầu tư khác cũng mua theo, đẩy nhu cầu và giá cổ phiếu lên cao.

Ngược lại, việc người nội bộ bán ra lượng lớn cổ phiếu không chỉ trực tiếp làm tăng nguồn cung mà còn khiến nhà đầu tư hoảng loạn vì "lãnh đạo cũng tháo chạy thì mình không nên tiếp tục ôm cổ phiếu này nữa", hệ quả là giá cổ phiếu thường xuống thấp.

Vì vậy, các lãnh doanh nghiệp có động cơ để mua bán cổ phiếu mà không công bố thông tin nhằm đạt được mức giá có lợi hơn (mua với giá thấp hơn, bán với giá cao hơn) so với khi đăng ký trước.

"Mua bán chui" là cụm từ được nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam sử dụng để nói về việc lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan mua, bán cổ phiếu mà không đăng ký giao dịch trước tối thiểu ba ngày làm việc theo quy định của pháp luật, cụ thể văn bản có hiệu lực hiện nay là Thông tư số 96/2020 của Bộ Tài chính.

Mức phạt đối với hành vi bán chui cổ phiếu

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 400.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng;

- Phạt tiền 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10.000.000.000 đồng trở lên.

Giả sử chủ tịch hội đồng quản trị là cổ đông sáng lập của một công ty đại chúng bán chui 175 triệu cổ phiếu với giá thị trường khoảng 20.000 đồng/cp, số tiền thu được là 3.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá trị tính theo mệnh giá chứ không tính theo giá thị trường. Mà theo quy định của Luật chứng khoán thì một cổ phiếu có mệnh giá là 10.000 đồng. Như vậy trong trường hợp này số tiền làm căn cứ tính mức phạt chỉ là 1.750 tỷ đồng, 3% – 5% của con số 1.750 tỷ là khoảng 52,5 tỷ - 87,5 tỷ.

Mặc dù vậy, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt tối đa đối với hành vi mua bán chui là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

>>> Bán cổ phiếu nhưng không báo cáo, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị xem xét xử lý

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục