Các bộ, ngành làm gì để loại bỏ các điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp

12:42' - 18/10/2017
BNEWS Chủ trương của Chính phủ hiện nay là thúc đẩy cạnh tranh, sáng tạo, để có thể đưa doanh nghiệp Việt Nam vào giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các khách mời tham gia Tọa đàm “Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp”do Báo Lao động tổ chức. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Hiện nay nhiều điều kiện kinh doanh đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, gia tăng chi phí sản xuất, làm nản lòng các doanh nghiệp. Đây là lý do mà Báo Lao động tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp” sáng 18/10 tại Hà Nội.

Mở đầu tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thông tin: “Có lẽ đây là lần đầu chúng ta thống kê và đưa ra các con số về giấy phép con. Nhưng tôi không cho rằng nhiều có nghĩa là xấu và ít có nghĩa là tốt. Cái đáng bàn ở đây là nhìn về mặt nội dung. Chủ trương của Chính phủ hiện nay là thúc đẩy cạnh tranh, sáng tạo, để có thể đưa doanh nghiệp Việt Nam vào giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu".

Cũng theo ông Hiếu, Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ 675 điều kiện kinh doanh. Đây là quyết định của một kết quả rà soát, đã được công bố một cách công khai. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, một Bộ tự rà soát và bãi bỏ các quy định của mình. Quá trình được diễn ra tương đối công khai minh bạch, lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương hoàn toàn ghi nhận nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp. Với tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3610a/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.

Theo đó, dự kiến có khoảng 55,5% trên tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương đã được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa bao gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; nhượng quyền thương mại; logistics; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).

“Tại cuộc họp ngày 13/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã khẳng định việc triển khai cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần được tiến hành đồng thời với rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực có liên quan; cân nhắc bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính hướng tới triển khai mạnh dịch vụ công cấp độ 4 hoặc xã hội hóa việc thực hiện dịch vụ công cho các thành phần kinh tế khác thực hiện”, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.

Liên quan đến việc quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm phải là toàn bộ quá trình nhưng không có nghĩa chỉ tập trung khâu nguy cơ, bỏ khâu khác. Sản phẩm phải được kiểm soát chặt từ khâu đầu tiên đến cuối cùng.

“Một số nước tiên tiến quản lý từ vật nuôi, cây trồng…, nhưng không thể so sánh quy mô chăn nuôi và trồng trọt của Việt Nam với các nước khác và một số nước lân cận vì còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Do đó, việc quản lý, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước là rất khó. Thời gian tới, cần tập trung sản xuất, chăn nuôi có quy mô và chịu sự quản lý chặt chẽ”, bà Nga nói.

Cũng theo bà Nga, tạo thông thoáng không có nghĩa là bỏ tất cả các quy định. Trên thế giới chưa có mô hình nào thống nhất để các nước cùng áp dụng mà phải tuỳ thuộc vào từng nước. Hiện Bộ Y tế vẫn tiếp tục tìm hiểu và mong cởi trói cho doanh nghiệp”.

“Hiện nay, mỗi Bộ được giao quản lý một số mặt hàng. Tuy nhiên, kỳ vọng có thể quản lý được tốt nhất các mặt hàng như mong muốn là rất khó và cần thời gian”, bà Nga thông tin.

Về lĩnh vực xây dựng, bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) khẳng định, Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, đề xuất bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, bãi bỏ hoặc thay thế bằng hình thức quản lý khác đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không đáp ứng tiêu chí tại Điều 7 của Luật Đầu tư “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đáp ứng tiêu chí tại Điều 7 của Luật Đầu tư, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất phương án đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, báo cáo Chính phủ và được đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ năm 2017. Hiện nay, dự thảo Nghị định này đang được hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ trong quý IV năm 2017.

Nói về khó khăn của doanh nghiệp khi bị nhiều điều kiện kinh doanh gây khó, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, chia sẻ: “Chậm 10 ngày hay 30 ngày xin giấy phép với cơ quan nhà nước có thể không có nghĩa lý gì, nhưng một sản phẩm làm ra phải đợi đến 30 ngày mới được bán ra thị trường thì sẽ giảm tính cạnh tranh, có thể dẫn đến việc doanh nghiệp bị phá sản. Một ngày đối với doanh nghiệp đã như ngồi trên đống lửa. Một giấy tờ, một thủ tục đôi khi phát khóc”.

Vì vậy ông Hiếu cho rằng, các bộ, ngành có thể hiểu, khi yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm một giấy tờ nào đó, doanh nghiệp có thể phải chạy đôn chạy đáo. Nhiều điều này góp phần tạo ra thất bại cho doanh nghiệp, vì không phải do thị trường, không phải từ cạnh tranh mà đơn giản chỉ vì thủ tục hoặc việc giải quyết thủ tục không đúng thời gian.

Đại diện Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, khẳng định: “ Chính phủ hiện nay đang thể hiện một quyết tâm rất lớn. Chúng ta cũng đang dần dần chuyển từ tư duy, rồi đến cách thức quản lý theo hướng tích cực. Với tinh thần và chủ trương hiện này, chúng tôi nghĩ các bộ, ngành, cơ quan không chỉ ở trung ương mà ở cả địa phương sẽ quán triệt và thực hiện”.

“Quan trọng là cần chỉ rõ ra những quy định nào đang cản trở doanh nghiệp. Muốn chỉ ra được thì cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia cùng ngồi để bàn, để hiện thực hóa nó. Chúng tôi sẵn sàng ghi nhận và lắng nghe. Đây là cả một quá trình thường xuyên và liên tục, miễn là tạo nên một môi trường kinh doanh vừa có tính cạnh tranh, an toàn cho tất cả mọi người”, ông Nguyễn Sinh Nhật nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục