Các dự án điện cho miền Nam – Bài 2: Giải quyết sớm các tồn tại

08:09' - 03/01/2017
BNEWS Ông Đoàn Tấn Phong, Giám đốc SPMB cho biết, lãnh đạo Ban đã liên tục làm việc với lãnh đạo từng địa phương để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
TBA 220kV Vũng Tàu. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Trong Kế hoạch năm 2017, Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Nam (SPMB) đặt mục tiêu hoàn thành đóng điện 12 công trình với tổng chiều dài 742,5 km đường dây và tổng công suất các trạm biến áp là 1.525 MVA.

Nhận định việc đầu tư xây dựng năm 2017 sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn lớn; trong đó có công tác đền bù giải phóng mặt bằng, SPMB đang tập trung giải quyết các thiếu sót tồn tại trong công tác này để hoàn thành đóng điện vận hành các công trình theo đúng kế hoạch đề ra. 

Ông Đoàn Tấn Phong, Giám đốc SPMB cho biết, lãnh đạo Ban đã liên tục làm việc với lãnh đạo từng địa phương để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Các trường hợp khó khăn sẽ báo cáo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương, Chính phủ hỗ trợ giải quyết, nhất là đối với các công trình trọng điểm. 

“Chúng tôi sẽ đổi mới mạnh mẽ phương pháp làm việc, thường xuyên bám sát công trường, chỉ tổ chức họp khi thật sự cần thiết và giảm thiểu thời gian họp để tập trung cho công trường. Đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt để đóng điện, khởi công các công trình theo kế hoạch giao”, ông Phong nhấn mạnh.

“Chúng tôi cũng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra ngay từ khâu khảo sát để hạn chế tối đa các sai sót và phát sinh trong quá trình thi công. Cán bộ giám sát đều phải có chứng chỉ giám sát”, Giám đốc Phong yêu cầu cán bộ trong Ban như vậy. 

Cùng với việc thực hiện chặt chẽ công tác quản lý tiến độ và chất lượng xây dựng công trình, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc; Tất cả các công trình thi công đều phải có tiến độ chi tiết để làm cơ sở chỉ đạo thực hiện, SPMB cũng thường xuyên tổ chức họp với nhà thầu xây lắp, Tư vấn kiểm điểm tiến độ đối với các dự án cấp bách, tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia. 

SPMB cho biết, lãnh đạo Ban sẽ bám sát hiện trường và đánh giá chính xác năng lực thực hiện của nhà thầu nhằm can thiệp và điều chỉnh kịp thời. Trong trường hợp nhà thầu không thể đáp ứng tiến độ do hạn chế năng lực Ban sẽ có những biện pháp như huy động các đơn vị khác phối hợp cùng tham gia, kể cả phạt và chấm dứt hợp đồng, chuyển cho đơn vị khác làm đảm bảo tiến độ tốt hơn.

Trạm 500kV Trung tâm điện lực Duyên Hải. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện không đảm bảo theo hợp đồng. Trong một số trường hợp sẵn sàng có các biện pháp cứng rắn như đề xuất không cho tham gia đấu thầu các dự án tiếp theo.

Cùng với việc tập trung nâng cao năng lực và trách nhiệm quản lý các dự án được giao, để chủ động trong qua trình lập/trình/duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật cho các dự án, SPMB đề nghị EVN NPT có chủ trương hoặc chỉ đạo cụ thể (từng dự án) về việc thuê Tư vấn Thẩm tra dự án đầu tư; Tư vấn thẩm tra thiết kế, dự toán công trình các dự án chuẩn bị đầu tư trên cơ sở tổng mức đầu tư dự kiến, nguồn vốn, quy chế phân cấp của EVN.

Hiện nay, công tác thẩm định dự án đầu tư; thiết kế và dự toán công trình các dự án khi áp dụng Luật Xây dựng; Luật Đầu tư công; các Nghị định, Thông tư hướng dẫn (mới) qua rất nhiều thủ tục và kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư, vì vậy SPMB cũng đề xuất giảm thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Lý do được SPMB đưa ra là các dự án lưới điện 220kV, 500kV đều đã được duyệt theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia, có điều chỉnh.

Vì vậy, SPMB đề nghị EVN NPT báo cáo EVN, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng... trình Chính phủ cho phép EVN hoặc Tổng Công ty tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán các dự án đường dây tải điện, trạm biến áp có cấp điện áp từ 110kV trở lên thuộc nhóm B, C.

Mặt khác, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, SPMB kiến nghị EVN đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách bồi thường giải toả, hiện tượng nhiễm điện, thông số kỹ thuật về đường dây, từ trường trong hành lang an toàn đường dây… để có cơ sở giải thích cho các hộ dân hiểu, thông cảm và đồng thuận thực hiện.

Bên cạnh đó, có chính sách đào tạo dài hạn cán bộ làm công tác bồi thường để từng bước xây dựng đội ngũ làm công tác bồi thường có tâm huyết, nhiệt tình và được trang bị đầy đủ kiến thức lý luận trong lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng và quản lý hồ sơ theo chất lượng ISO….

Công trình cải tạo nâng cấp đường dây 220kV Phú Lâm - Long An thuộc dư án Cải tạo, nâng cấp Phú Lâm - Cai Lậy 2. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Theo ông Đoàn Tấn Phong, do đặc thù các công trình điện theo dạng tuyến nên việc thực hiện công tác cưỡng chế chỉ thực hiện đối với các trường hợp có thu hồi đất tại các vị trí móng trụ.

Mặt khác đất, tài sản (nhà, công trình) trong hành lang an toàn không thực hiện công tác thu hồi đất nên không thể tổ chức cưỡng chế bàn giao mặt bằng được nếu hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ mà chỉ hỗ trợ lực lượng của địa phương để bảo vệ hiện trường, bảo vệ an ninh trật tự, thành lập các đoàn vận động…

Ông Phong cho rằng theo Thông tư 74/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chỉ hướng dẫn việc lập dự toán và chi cho công tác cưỡng chế khi có thu hồi đất mà không hướng dẫn thực hiện chi cho công tác hỗ trợ, bảo vệ thi công kéo dây.

Vì vậy kiến nghị EVN NPT xem xét đưa chi phí hỗ trợ lực lượng bảo vệ thi công kéo dây, chi phí cho công tác vận động tháo dỡ vào chi phí thực hiện bồi thường.

Đối với cơ chế chính sách nhà nước và hoạt động của chính quyền địa phương, theo SPMB, các địa phương phải có biện pháp quản lý chặt chẽ tình hình biến động về đất đai và thường xuyên cập nhật qui hoạch dự án trên địa bàn, xác định thống nhất quy hoạch giữa các ngành, các cấp thẩm quyền để đảm bảo các dự án ngành điện đầu tư trên địa bàn không chồng lấn với các dự án tại địa phương.

Đồng thời thống nhất ngay từ đầu chủ trương, chính sách và đơn giá bồi thường khi triển khai dự án, tránh bổ sung nhiều lần chính sách bồi thường khiến người dân thắc mắc và kiếm cớ khiếu nại khiếu kiện.

Đối với công trình dạng tuyến qua nhiều địa phương đề nghị phân cấp cho UBND quận, huyện phê duyệt phương án bồi thường để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, bổ sung các biện pháp chế tài và hình thức xử phạt vi phạm hành chính vào Nghị định có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng đối với trường hợp các hộ dân hoặc tổ chức có đất và công trình nhà cửa vật kiến trúc bị ảnh hưởng trong hành lang an toàn không tháo dỡ hoặc không cải tạo để địa phương có cơ sở tổ chức lực lượng bảo vệ cho đơn vị xây lắp thi công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục