Các kịch bản cấp điện mùa nắng nóng tại Tp. Hồ Chí Minh

16:19' - 02/04/2021
BNEWS Để chuẩn bị ứng phó với đợt nắng nóng mùa khô năm 2021, Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã chỉ đạo triển khai các giải pháp, kịch bản đã đề ra để đảm bảo cung cấp điện.

Để chuẩn bị ứng phó với đợt nắng nóng mùa khô năm 2021, Tổng công ty Điện lực Tp.Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng triển khai các giải pháp, kịch bản đã đề ra để đảm bảo cung cấp điện cho toàn địa bàn Thành phố.

Ngay từ quý III/2020, EVNHCMC đã xây dựng và ban hành kế hoạch đảm bảo điện năm 2021, đặc biệt chú trọng vào các tháng mùa khô.

*Nhu cầu điện tăng cao

Theo quy luật hàng năm, bước vào mùa nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng cao. Số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện Tp.Hồ Chí Minh, sản lượng điện nhận của thành phố trong tháng 3/2021 đạt bình quân 78,75 triệu kWh/ngày, tăng 3,89 % so cùng kỳ năm 2020 và cao hơn 40,39 % so với bình quân tiêu thụ của tháng 2/2021 là 56,09 triệu kWh/ngày.

“Từ giữa tháng 3 đã xuất hiện nhiều ngày có sản lượng điện nhận cao trên 80 triệu kWh/ ngày, ứng với giai đoạn nền nhiệt tăng cao, với nhiệt độ cao nhất trong ngày đạt 35-36 độ C. Ngày 24/3 ghi nhận sản lượng điện tiêu thụ cao nhất là 86,278 triệu kWh, ứng với ngày có nhiệt độ cao nhất trong ngày là 36 độ C”, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết.

Đại diện EVNHCMC cũng đưa ra dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày của các tháng 4,5,6/2021 tiếp tục tăng cao, đạt từ 79,7 đến 97 triệu kWh/ngày, tăng cao so với cùng kỳ (tiêu thụ bình quân ngày của năm 2020 chỉ nằm ở mức 73,14 triệu kWh/ngày (có ảnh hưởng giãn cách xã hội ) và tăng cao so với tháng 2/2021.

Đáng lưu ý, kỷ lục hiện nay đang là 90,04 triệu kWh vào ngày 24/4/2019. Trong đó thành phần sinh hoạt hộ gia đình tiêu thụ tháng 4 so với tháng 3 sẽ tiếp tục duy trì mức tăng cao như mọi năm: 2018 tăng 23 %, 2019 tăng 30,69 %, năm 2020 tăng 13,52 %, dự kiến năm 2021 tăng 35,94 % nên tiền điện các hộ gia đình sẽ theo xu hướng tăng cao trong các tháng mùa khô sắp tới.

Trước tình hình tiêu thụ điện trong mùa nắng nóng như trên, công ty đã đưa ra một số giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả trong gia đình như tắt hết thiết bị điện khi ra khỏi phòng, ngắt nguồn điện các thiết bị điện khi không sử dụng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, sử dụng các công tắc cảm ứng, hạn chế tối đa sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện vào các khung giờ cao điểm, sử dụng thiết bị điện có nhãn tiết kiệm năng lượng, hiệu suất cao... Sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ hợp lý từ 26 độ C.

Cùng với đó, công ty đã đưa ra khuyến cáo nên cài đặt ứng dụng EVNHCMC CSKH, hoặc truy cập web chăm sóc khách hành của EVNHCMC để thường xuyên theo dõi sản lượng điện tiêu thụ hàng ngày, tháng để có giải pháp chủ động điều chỉnh sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Chia sẻ về công tác cấp điện cho các trường học, mùa thi sắp tới, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, khối trường học và y tế luôn là những khách hàng đặc biệt trọng điểm của tổng công ty và luôn đảm bảo duy trì cấp điện liên tục, không để việc dạy học, chuẩn bị thi của nhà trường, các em học sinh bị trở ngại, gián đoạn cấp điện gây ra, nhất là trong những ngày nắng nóng hiện nay. Trong thời gian này, Tổng công ty đảm bảo cung cấp điện, hạn chế cắt điện để thực hiện bảo trì và không cho phép các đơn vị cấp điện trực thuộc cắt điện. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy do hệ thống cấp điện gây ra.

*Nhiều giải pháp đảm bảo cấp điện

Để đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô cũng như cả năm 2021, EVNHCMC đã tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành lưới điện trong mọi trường hợp, trường hợp bình thường và trường hợp tăng trưởng ở mức cao để chủ động nguồn điện đủ cung cấp thành phố.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng điện và công suất cực đại của năm 2020 chỉ sấp xỉ so với năm 2019.

Vì vậy, đối với giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2021, EVNHCMC dựa trên số liệu vận hành năm 2019 để tính toán dự báo tăng trưởng phụ tải.

Trong đó lựa chọn phương án dự báo tăng trưởng phụ tải ở mức 10 % (Pmax đạt 5.025MW) là phương án cơ sở để xây dựng các kịch bản vận hành và thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo cung cấp điện mùa khô.

Ngoài ra, EVNHCMC đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện rà soát đánh giá và cập nhật các giải pháp điều hòa , cân đối lưới điện hiện hữu theo phương án cấp điện mùa khô năm trước, phù hợp với các kịch bản dự báo phụ tải trong mùa khô năm 2021, đảm bảo lưới điện đáp ứng tiêu chí vận hành N-1.

Đồng thời, tăng cường sử dụng các giải pháp như máy phát, máy biến áp lưu động, thi công live - line, không bố trí có mất điện để cung cấp điện liên tục cho khách hàng; khai thác dữ liệu từ hệ thống đo đếm từ xa (MDIS) để có các kịch bản vận hành phù hợp trong giai đoạn mùa khô 2021.

Bên cạnh đó, theo ông Bùi Trung Kiên, EVNHCMC tập trung vào đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ để đóng điện các công trình mới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các tháng mùa khô; trong đó, bổ sung 1 công trình lưới điện 220kV, 5 công trình lưới điện 110kV và 18 công trình lưới điện 22kV.

EVNHCMC yêu cầu các Công ty Điện lực có giải pháp triển khai đồng bộ các công trình hoặc dự án đầu tư kiện toàn lưới điện đảm bảo đóng điện vận hành các dự án liên quan đến việc cung cấp điện mùa khô năm 2021 theo đúng tiến độ đã đề ra, xử lý các trạm phân phối đầy, quá tải cơ bản hoàn thành trước 31/3/2021.

Mặt khác, EVNHCMC đã đưa vào hoạt động hệ thống tự động hóa (miniSCADA/DAS/DMS) để giám sát và điều khiển từ xa 100 % lưới điện. Hiện toàn bộ trạm biến áp 110 kV do EVNHCMC quản lý đều được vận hành tự động, không người trực, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới để từng bước hoàn thiện mô hình Lưới điện thông minh (Smart Grid).

Để giảm sự cố lưới điện, EVNHCMC yêu cầu các đơn vị tăng cường khai thác hiệu quả hệ thống đo đếm từ xa (MDIS), dashboard (bảng điều khiển kỹ thuật số) cảnh báo mất điện của Tổng công ty để phát hiện và xử lý nhanh các trường hợp mất điện trạm biến áp phân phối, cũng như nâng cao chất lượng cung cấp điện.

Đặc biệt, công ty sẽ đẩy mạnh triển khai áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo CBM (sửa chữa bảo dưỡng hệ thống điện dựa trên tình trạng vận hành của thiết bị - bảo trì theo điều kiện) để nâng cao chất lượng công tác chẩn đoán thiết bị và bảo trì định kỳ.

Trong trường cố xảy ra, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm ngặt chủ trương “Chuyển tải trước, xử lý sự cố sau”, với thời gian xử lý phấn đấu bình quân dưới 5 phút.

Theo đó, khi xảy ra sự cố, ngay lập tức các đơn vị phải thực hiện chuyển tải nguồn điện qua một mạch, nhánh khác để tái lập điện ngay cho khách hàng, sau đó mới cô lập và thực hiện xử lý nơi xảy ra sự cố.

Để làm được điều này, EVNHCMC đã và đang tiếp tục hoàn thiện kết cấu lưới điện theo định hướng hiện đại hóa, tự động hóa vận hành hiệu quả mô hình Trung tâm Điều khiển xa trong việc giám sát, điều hành lưới điện; khai thác dữ liệu các hệ thống đo đếm xa từ các trạm biến áp 220/110kV và trạm phân phối để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường và có biện pháp xử lý nhanh chóng cũng như không ngừng nâng cao chất lượng điện năng cung cấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục