Các nước nghèo và đang phát triển cần đến sự hỗ trợ để vượt khủng hoảng nợ
Khủng hoảng nợ trầm trọng tại các nước nghèo và đang phát triển
Theo các con số thống kê, hơn một nửa số quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp đang có nguy cơ gặp khó khăn về nợ nần cao và khoảng 1/5 các thị trường mới nổi có giao dịch trái phiếu chính phủ ở mức khó khăn.
Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết thực trạng nợ nần tại các nước đang phát triển hiện ở mức rất nghiêm trọng, khi tất cả 52 nước đang trong tình trạng nợ nần chồng chất, hoặc rất gần với nguy cơ vỡ nợ. 25 trong số 52 nước gặp vấn đề về nợ đang phải chi khoảng 20% thu nhập công chỉ để chi trả cho các khoản nợ.
Tại châu Âu, nợ công của Ukraine cao kỷ lục. Bộ Tài chính Ukraine cho biết chỉ tính riêng trong tháng 7/2023, nợ công của Ukraine đã tăng thêm 4 tỷ USD, nâng tổng nợ quốc gia của nước này lên mức cao nhất từ trước đến nay, gần 133 tỷ USD.
Bộ Tài chính Ukraine dự báo nợ công của nước này có thể tăng lên mức cao kỷ lục 173 tỷ USD vào cuối năm, và cho biết phần lớn các khoản hỗ trợ của phương Tây được cung cấp dưới dạng tín dụng nên cần phải trả nợ.
Theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergii Marchenko, kể từ khi xảy ra xung đột với Nga hồi tháng 2/2022, thâm hụt ngân sách hàng tháng của Ukraine khoảng 5 tỷ USD.
Tại Nam Á, Sri Lanka đã vỡ nợ vào tháng 5/2022. Nguyên nhân do đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch khiến chính phủ nước này cạn kiệt nguồn tiền để nhập khẩu thực phẩm, xăng dầu và thuốc men. Cuối tháng 6/2022, Sri Lanka đã công bố kế hoạch xử lý nợ và đạt được nhiều tiến bộ.
Nhiều khả năng IMF sẽ trì hoãn gói cứu trợ 3 tỷ USD tiếp theo cho Sri Lanka trong bối cảnh thiếu hụt nguồn thu ngân sách. Trong khi đó, Pakistan cần tới 22 tỷ USD để trả nợ nước ngoài và thanh toán các hóa đơn cho năm tài chính 2024 trong bối cảnh lạm phát và lãi suất ở mức cao kỷ lục đi kèm những thiệt hại nặng nề sau trận lũ lụt lịch sử năm 2022.
Tháng 6/2023, IMF đã thông qua gói cứu trợ 3 tỷ USD cho Pakistan, theo sau là khoản 3 tỷ USD tiền mặt hỗ trợ của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, giới quan sát tiếp tục hoài nghi về sức chống chịu của nền kinh tế Pakistan nếu thiếu đi các khoản hỗ trợ lớn.
Tại Trung Đông, Liban đã vỡ nợ lần đầu tiên vào năm 2020 và có rất ít dấu hiệu cho thấy kinh tế nước này đang hồi phục. Liban đã đạt được thỏa thuận tạm thời trị giá 3 tỷ USD với IMF vào tháng 4/2022.
Nhưng quỹ tài chính quốc tế này gần đây đã cảnh báo quốc gia Trung Đông đang trong tình thế rất nguy hiểm do một loạt cải cách bị trì hoãn, bao gồm cả việc cải cách ngành ngân hàng và tỷ giá hối đoái. IMF cảnh báo khó khăn tiếp diễn có thể đẩy nợ công Liban lên mức 547% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027.
Tại Bắc Phi, các cú sốc liên tiếp kể từ năm 2011 đã đẩy kinh tế Tunisia rơi vào khủng hoảng toàn diện. Các tổ chức xếp hạng tín dụng nhận định Tunisia có thể vỡ nợ trong bối cảnh lô trái phiếu châu Âu trị giá 500 triệu USD sẽ đáo hạn vào tháng 10/2023.
Việc Saudi Arabia hỗ trợ 500 triệu USD cùng nguồn thu từ du lịch đã thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai, song người dân nước này tiếp tục vật lộn với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men.
Trong khi đó, Ai Cập cần trả khoản nợ gần 100 tỷ USD bằng đồng tiền mạnh trong vòng 5 năm tới. Chính quyền Cairo hiện dành hơn 40% nguồn thu ngân sách để trả lãi trong bối cảnh nhu cầu năm tài chính 2023/2024 ở mức 24 tỷ USD. Đồng nội tệ nước này cũng mất hơn 50% giá trị so với đồng USD kể từ tháng 2/2022. Ai Cập hiện được IMF hỗ trợ khoản vay trị giá 3 tỷ USD.
Tại Đông Phi, bất ổn chính trị và đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế trong nước của Ethiopia. Đầu năm 2021, chính quyền Ethiopia đã đề xuất tái cơ cấu theo Khuôn khổ chung về Xử lý Nợ bên ngoài Sáng kiến Hoãn Thanh toán Nợ của Nhóm G20.
Tổ chức xếp hạng Moody’s đã nâng triển vọng của Ethiopia từ tiêu cực lên ổn định trước những kỳ vọng kinh tế nước này sẽ nhanh chóng cải thiện trong Khuôn khổ Chung. Tại Kenya, nền kinh tế đầu tàu của khu vực Đông Phi, nợ công đã chạm mức 67,4% GDP vào cuối năm 2022, khiến nước này có nguy cơ cao rơi vào khủng hoảng nợ.
Chính quyền Tổng thống William Ruto đã điều tiết chi tiêu và đề xuất nhiều đợt tăng thuế nhằm ổn định kinh tế đất nước. Tuy nhiên, giá dầu tăng cao đã thúc đẩy lạm phát, khiến đồng nội tệ mất giá hơn 16% so với đồng USD. Quốc gia này đang đàm phán với Ngân hàng phát triển châu Phi và WB để được hỗ trợ ngân sách trong bối cảnh sẽ phải hoàn trả lô trái phiếu châu Âu trị giá 2 tỷ USD vào năm tới.
Tại Tây Phi, Ghana đã vỡ nợ hầu hết các khoản nợ nước ngoài vào tháng 12/2022 và trở thành quốc gia thứ 4 tìm cách tái cơ cấu kinh tế theo Khuôn khổ Chung của G20. Nước này đã tiếp nhận gói cứu trợ trị giá 3 tỷ USD của IMF tháng 5 vừa qua, đồng thời cho biết tiến trình tái cơ cấu 30 tỷ USD nợ nước ngoài cùng các khoản nợ trong nước diễn ra khá nhanh chóng. Bộ trưởng Tài chính Ghana kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận với các trái chủ quốc tế vào cuối năm nay.
Tại Trung Mỹ, vào tháng 1/2023, El Salvador đã thành công thanh toán 600 triệu USD cho khoản trái phiếu đến hạn. Quốc gia này hiện có khoảng 6,4 tỷ USD trái phiếu châu Âu đang lưu hành. Mặc dù khoản thanh toán tiếp theo phải đến năm 2025 mới đến hạn, nhưng những lo ngại về chi phí trả nợ cao của El Salvador cũng như các kế hoạch tài chính và chính sách tài khóa đã đẩy trái phiếu của nước này vào tình trạng suy yếu sâu sắc.
Không chỉ tại các nước đang phát triển, UNCTAD cũng quan ngại về khủng hoảng nợ tại các nước nghèo. Theo thống kê, các nước nghèo nhất thế giới hiện đang nợ các chủ nợ song phương chính thức 62 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2022. Ước tính, các chính phủ tại những nước này sẽ phải trả thêm 1.100 tỷ USD cho tổng nợ toàn cầu vào năm 2023.
Cần đến sự hỗ trợ
Ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, 70% tổng số nợ ở các nước mới nổi và 85% nợ ở các nước có thu nhập thấp là bằng ngoại tệ. Do chính phủ ở các nước đang phát triển chi tiêu bằng nội tệ và vay bằng ngoại tệ, nên cơ cấu này khiến ngân sách công phải đối mặt sự mất giá lớn không lường trước của đồng tiền quốc gia.
Lạm phát bùng nổ, lãi suất cao, tâm lý lo ngại rủi ro của nhà đầu tư cùng chi phí đi vay leo thang đã khiến việc trả nợ và huy động dòng tiền trở nên đắt đỏ hơn đáng kể đối với nhiều quốc gia đang phát triển. Khi gánh nặng nợ nần gia tăng, chính phủ các nước đang phát triển rơi vào vòng luẩn quẩn, không thể đầu tư để đạt các Mục tiêu phát triển bền vững và phát triển nền kinh tế, khiến việc trả nợ khó khăn hơn. Nếu một quốc gia vỡ nợ, các điều khoản tái cấu trúc nợ thường được đặt ra bởi các nhóm chủ nợ cạnh tranh để có được các điều khoản tốt nhất, thay vì ưu tiên cho các mối quan tâm về kinh tế và phát triển hoặc tính bền vững của việc trả nợ.
UNCTAD thì cảnh báo những nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ ở các nước nghèo hiện nay do WB và IMF triển khai là chưa đủ nếu tính đến quy mô và bối cảnh tình hình cấp bách. Quá trình này diễn ra rất chậm và còn nhiều quốc gia cần sự trợ giúp. Vì vậy, UNCTAD cho rằng cần thiết lập cơ chế tốt hơn để giải quyết nhanh hơn vấn đề nợ nần.
Trong bối cảnh gánh nặng nợ nần đang làm tăng nguy cơ vỡ nợ ở các nước nghèo và cuộc khủng hoảng nợ tác động nghiêm trọng tới phát triển bền vững ở các nước đang phát triển, UNCTAD đã thúc đẩy các giải pháp đa phương trong các lĩnh vực xây dựng năng lực, minh bạch nợ, giải quyết và cứu trợ khủng hoảng nợ.
UNCTAD ủng hộ việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý đa phương để tái cấu trúc và xóa nợ nhằm tạo điều kiện giải quyết khủng hoảng nợ kịp thời, có trật tự với sự tham gia của tất cả các chủ nợ, dựa trên chương trình giảm nợ do Nhóm G20 thành lập.
Tuy vậy thế giới vẫn cần các giải pháp đa phương mạnh mẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ mà các nước đang phát triển và các nước nghèo phải đối mặt.
Giới chuyên gia cho rằng nếu không có các biện pháp khẩn cấp, mạnh mẽ hơn nữa, nhiều quốc gia sẽ đối mặt tình trạng nợ nần, thậm chí là vỡ nợ, từ đó ảnh hưởng đến các dự án chống đói nghèo, chuyển đổi năng lượng, giảm biến đổi khí hậu...
Nguy cơ một cuộc khủng hoảng nợ đang lớn dần sẽ đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Đáng nói hơn, mục tiêu cùng phát triển bền vững của thế giới có nguy cơ bị sa lầy.
Chính vì vậy, hỗ trợ các nước vượt qua khủng hoảng nợ, ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ sẽ là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của các thống đốc ngân hàng trung ương, Bộ trưởng Tài chính và các nhà lãnh đạo chính trị tại cuộc họp thường niên do WB và IMF tổ chức từ 9 đến 15/10 tại Marrakesh (Maroc)./.
Tin liên quan
-
Ý kiến và Bình luận
Nguyên nhân ECB chưa muốn cắt giảm lãi suất
15:48' - 05/10/2023
Chuyên gia chính trị quốc tế Violetta Silvestri từng làm việc cho Liên hiệp quốc (LHQ), nhận định về lý do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không có kế hoạch cắt giảm lãi suất thời gian tới.
-
Tài chính
Vì sao lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lại đang gây lo ngại?
15:23' - 04/10/2023
Các thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới đang trải qua một đợt tăng mạnh lợi suất mới, trước triển vọng lãi suất sẽ tăng trong thời gian dài hơn.
-
Ý kiến và Bình luận
Nhiều dấu hiệu khả quan phát đi từ nền kinh tế Trung Quốc
07:47' - 01/10/2023
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực chế tạo Trung Quốc đã tăng từ 49,7 điểm trong tháng 8 lên 50,2 điểm trong tháng 9.
Tin cùng chuyên mục
-
Tài chính
Thâm hụt chi tiêu công của Chính phủ Anh cao thứ ba trong lịch sử
07:30'
Riêng trong tháng 10/2024, thâm hụt chi tiêu công của Anh là 17,4 tỷ bảng, cao hơn mức dự báo 12,3 tỷ bảng của các nhà kinh tế, tăng 1,6 tỷ bảng so với cùng thời điểm của năm ngoái.
-
Tài chính
Bitcoin phá ngưỡng 97.000 USD
15:27' - 21/11/2024
Giá bitcoin lần đầu tiên vượt mốc 97.000 USD trong bối cảnh lĩnh vực tài sản kỹ thuật số đang nỗ lực củng cố ảnh hưởng với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
-
Tài chính
Kiểm soát chi thúc đẩy giải ngân vốn đầu công
15:04' - 21/11/2024
Kho bạc Nhà nước Nam Định yêu cầu kiểm soát chi tăng cường phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung kiểm soát, thanh toán kịp thời với các dự án quy mô lớn, dự án trọng điểm của tỉnh
-
Tài chính
Bitcoin tiếp tục phi mã, lần đầu vượt mốc 95.000 USD
10:11' - 21/11/2024
Ngày 21/11, giá Bitcoin đã đạt mức cao kỷ lục mới, lần đầu tiên vượt mốc 95.000 USD, được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ nới lỏng quy định đối với tiền kỹ thuật số.
-
Tài chính
Khó thu hồi nợ thuế đối với doanh nghiệp chây ỳ
09:14' - 21/11/2024
Cục Thuế tỉnh Tây Ninh cho biết, đến hết tháng 9/2024 tổng số tiền thuế nợ tại Cục Thuế tỉnh Tây Ninh trên 536,7 tỷ đồng, giảm 39,8 tỷ đồng so với thời điểm tháng 8/2024.
-
Tài chính
Hàn Quốc: Thuế suất cao khiến thừa kế bất động sản trở thành gánh nặng
12:06' - 20/11/2024
Theo số liệu do Tổng cục Thuế Hàn Quốc công bố ngày 19/11, trong năm 2023, có 10.712 trường hợp người thừa kế bị đánh thuế có tuổi trên 80 tuổi, chiếm 53,7% tổng số trường hợp thừa kế trong cả nước.
-
Tài chính
Bitcoin lập đỉnh mới
10:31' - 20/11/2024
Ngày 19/11, Bitcoin đã lập đỉnh mới, vượt ngưỡng 94.000 USD khi có thông tin cho biết công ty truyền thông của ông Trump đang thương lượng mua công ty giao dịch tiền điện tử Bakkt.
-
Tài chính
Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành kho bạc
16:23' - 19/11/2024
Kho bạc Nhà nước Phú Thọ cho biết đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hoá các quy trình, hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; gia tăng tiện ích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân giao dịch với kho bạc.
-
Tài chính
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công cuối năm
15:39' - 19/11/2024
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm mục đích sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước phồn vinh, thịnh vượng.