Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều

16:01' - 14/03/2019
BNEWS Trong phiên giao dịch ngày 14/3, thị trường chứng khoán Thượng Hải và Nhật Bản chốt phiên giảm, trong khi các thị trường Hong Kong và Hàn Quốc lại đi lên.
Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều. Ảnh: TTXVN

Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 14/3, khi lực đẩy mạnh đến từ phố Wall bị hạn chế trước các số liệu gây thất vọng về kinh tế Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán Thượng Hải chốt phiên giảm 1,2%, xuống 2.990,69 điểm, sau khi số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng chậm hơn dự kiến trong hai tháng đầu năm nay.

Các số liệu mới càng cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng khi kinh tế toàn cầu đứng trước những trở ngại và cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa được giải quyết.

Theo nhà chiến lược tại châu Á của Natwest Markets PLC, Liu Peiqian, số liệu mới cho thấy kinh tế Trung Quốc cần nhiều thời gian hơn để có thể bứt lên khi sản lượng công nghiệp và sức tiêu dùng vẫn chịu sức ép mặc dù đầu tư mạnh hơn. Các nhà giao dịch sẽ chờ phiên bế mạc kỳ họp thương niên Quốc hội Trung Quốc vào ngày 15/3 để dự đoán về các kế hoạch được đề ra.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,02%, xuống 21.287,02 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,15%, lên 28.851,39 điểm, còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,34%, lên 2.155,68 điểm.

Diễn biến trên phố Wall phiên trước đã tạo đà đi lên cho chứng khoán châu Á phiên này, sau khi số liệu cho thấy lĩnh vực chế tạo của Mỹ tăng tốc, còn lạm phát giá bán buôn củng cố nhận định Cục Dự trữ Liên bang sẽ chưa sớm nâng lãi suất.

Khi không có nhiều yếu tố dẫn dắt, các nhà giao dịch đang chờ diễn biến mới trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông nhìn thấy cơ hội rất tốt cho việc đạt một thỏa thuận, nhưng cũng sẽ không vội bởi ông muốn đó là một thỏa thuận đúng.

Trên thị trường tiền tệ, đồng bảng Anh đi xuống, sau khi vọt lên mức cao nhất trong chín tháng do bất ổn xoay quanh việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), được gọi là Brexit. Đồng bảng giảm từ mức 1,3339 USD/bảng xuống 1,3273 USD/bảng.

Hầu hết các nhà quan sát cảnh báo một kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ tác động đến kinh tế Anh. Tuy nhiên, các nghị sỹ nước này sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc có gia hạn thời hạn chót cho việc Anh ra khỏi EU hay không.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/3, tại Việt Nam, chỉ số VN – Index tăng 3,03 điểm lên 1008,44 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 224,5 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 4.821,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 164 mã tăng giá, 66 mã đứng giá và 128 mã giảm giá.

HNX – Index tăng nhẹ 0,2 điểm lên 110, 02 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 42,3 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 481,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 90 mã tăng giá, 64 mã đứng giá và 66 mã giảm giá.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phiên hôm nay suy yếu. Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu có tác động lớn nhất lên thị trường) có 16 mã giảm giá, trong khi chỉ có 11 mã tăng giá. Chỉ số VN30 cũng giảm 0,11%.

Các mã giảm giá mạnh có thể kể đến như VJC giảm 1,2%, SBT giảm 1,3%, VNM và SAB đều giảm 0,8%. Các mã như: HPG, MSN, MWG đều giảm 0,4%.

Ở chiều tăng giá có cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC tăng 1,1%, NVL cũng tăng 1,1%, trong khi PNJ cũng tăng 2,2%...

Cổ phiếu ngân hàng cũng có sự phân hóa khá rõ nết với sắc xanh, đỏ đan xen nhau. Ở chiều tăng giá có các mã tiêu biểu như: BID tăng 1,7%, VCB tăng tới 2,8%, STB tăng 1,6%. Các mã giảm giá mạnh là VPB giảm 1,4%, EIB giảm 1,1%, VIB giảm 1%. Các mã TCB, MBB, HDB, CTG chỉ giảm nhẹ, chưa đến mức 1%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục diễn biến tiêu cực. GAS, PLX, PVB, PVD, PVS, TDG,... đều kết phiên trong sắc đỏ.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhẹ trên toàn thị trường. Theo đó, trên HOSE, khối ngoại đã bán ròng hơn 1,53 triệu cổ phiếu, với giá trị bán ròng đạt 34,1 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh mã STB (hơn 97 tỷ đồng), tiếp đến là VNM (trên 72,2 tỷ đồng). Khối ngoại mua ròng mạnh VCB (hơn 88,4 tỷ đồng), tiếp đến là VIC (50 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 294.171 cổ phiếu, nhưng tính theo giá trị thì khối này đã bán ròng 9,46 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh mã PVS (hơn 11 tỷ đồng) và mua ròng mạnh mã SHB (hơn 6,66 tỷ đồng).

Trên thị trường UPCOM, khối ngoại bán ròng 76,595 cổ phiếu, nhưng tính theo giá trị thì khối này mua ròng 3,75 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục