Các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên 9/6

16:51' - 09/06/2020
BNEWS Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đi lên trong phiên giao dịch 9/6, khi tâm lý lạc quan về việc tái mở cửa các nền kinh tế đã "lấn át" hoạt động chốt lời trước đó.
Các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên 9/6. Ảnh minh họa: AFP
Hiện tại, tâm lý trên thị trường khá tích cực, trong bối cảnh chính phủ nhiều nước đang dần dỡ bỏ các lệnh giới hạn được áp dụng trước đó để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Nổi bật trong phiên này là hai thị trường chứng khoán Sydney và Hong Kong, khi giới giao dịch nhận được lực đẩy từ Phố Wall, nơi chỉ số Nasdaq đã khép phiên trước đó ở mức cao kỷ lục, còn chỉ số S&P 500 đã bù đắp được toàn bộ đà giảm trong năm nay.

Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,1% lên 25.057,22 điểm, còn thị trường Sydney tăng hơn 2% khi giới đầu tư quay lại sau kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài trước đó.

Tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,6% lên 2.956,11 điểm. Thị trường Đài Bắc ghi thêm 0,2%, Mumbai tăng 0,4%, trong khi các thị trường Singapore và Manila đều tăng hơn 1%. Thị trường Seoul cũng tiến thêm 0,2% bất chấp những lo ngại địa chính trị sau động thái tiêu cực mới đây của Triều Tiên.

Nhưng hoạt động bán ra chốt lời vẫn đè nặng lên thị trường Tokyo, khiến chỉ số Nikkei 225 mất 0,4% xuống 23.091,03 điểm. Thị trường Wellington cũng giảm 2% sau khi tăng đến hơn 3% trong phiên trước.

Phiên này, thị trường Việt Nam chứng kiến sự biến động trái chiều của hai chỉ số chính, trong đó chỉ số VN-INDEX giảm nhẹ 0,49 điểm, hay 0,05% xuống 899,43 điểm, trong khi chỉ số HNX-INDEX nhích thêm 0,03 điểm, hay 0,02% lên 120,13 điểm.

Trong khi giới đầu tư đang kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại, nhiều chuyên gia vẫn đưa nhiều cảnh báo. Chuyên gia Tai Hui của công ty JP Morgan Asset Management cho rằng, điều đáng ngại hơn là hoạt động kinh tế toàn cầu vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch.

Ông Tai Hui cảnh báo phải mất thời gian dài thì kinh tế thế giới mới phục hồi hoàn toàn, và điều này còn đòi hỏi phải có phải pháp về mặt y tế như có vắc-xin hay phương pháp xét nghiệm COVID-19 chính xác và hiệu quả. Chuyên gia này nhấn mạnh nguy cơ đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai vẫn chưa bị đẩy lùi.

Bên cạnh đó, ông Tai Hui còn đề cập đến những nguy cơ khác đối với nền kinh tế, như sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, cũng như tác động của tình trạng phá sản và thất nghiệp tràn lan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục