Các thị trường tại châu Á chuyển động ngược chiều sau quyết sách lãi suất của Fed

17:28' - 01/02/2024
BNEWS * Vàng và dầu cùng tăng giá

 

Chiều 1/2, giá vàng và dầu tại châu Á tăng, khi giới đầu tư vẫn kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất mạnh trong năm nay. Nhưng việc Fed đẩy lùi khả năng hạ lãi suất vào tháng Ba đã khiến các thị trường chứng khoán trong khu vực giảm điểm.

Vào đầu giờ chiều nay, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.043,80 USD/ounce, đánh dấu phiên thứ tư tăng liên tiếp, trong khi giá vàng kỳ hạn giảm 0,3% xuống 2.061,20 USD/ounce.

Ông Jigar Trivedi, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty chứng khoán Reliance Securities, cho biết Fed tin rằng lạm phát sẽ giảm về mức mục tiêu 2%, và để ngỏ khả năng hạ lãi suất, qua đó hỗ trợ giá vàng.

Tại cuộc họp vừa qua, Fed đã giữ nguyên lãi suất và đẩy lùi khả năng sẽ hạ lãi suất trong mùa Xuân, nhưng những loại bỏ khả năng tăng lãi suất hơn nữa.

 

Theo thông tin từ sàn giao dịch chứng khoán London, xác suất Fed hạ lãi suất vào tháng Ba theo dự đoán của giới giao dịch đã giảm từ 90% vào cuối năm 2023 xuống 35,5%, nhưng xác suất xảy ra một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng Năm lại tăng lên 96%. Fed được dự đoán sẽ hạ lãi suất tổng cộng khoảng 1,42 điểm phần trăm trong năm nay.

Trên thị trường dầu, vào đầu giờ chiều nay, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 5 xu Mỹ lên 80,60 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 7 xu Mỹ lên 75,92 USD/thùng, sau khi giảm hơn 2 USD/thùng trong phiên trước.

Chuyên gia Tina Teng của công ty CMC Markets cho biết giá dầu có thể đang được hỗ trợ bởi những đồn đoán về khả năng hạ lãi suất trong năm nay sau bài phát biểu ngày 31/1 của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ông Powell cho biết lãi suất đã đạt đỉnh và sẽ giảm xuống trong những tháng tới, khi lạm phát tiếp tục giảm, tăng trưởng kinh tế và việc làm ổn định.

Củng cố quan điểm rằng Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất trước tháng Sáu, số liệu cho thấy chi phí lao động tại Mỹ đã tăng ít hơn dự đoán trong quý IV/2023, với mức tăng theo năm thấp nhất trong hai năm qua. Lãi suất giảm và tăng trưởng kinh tế sẽ là yếu tố có lợi cho nhu cầu dầu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã công bố các biện pháp hỗ trợ bất động sản mới, trước những lo ngại về tác động từ việc thanh lý tài sản của Evergrande. Các chuyên gia phân tích của JPMorgan dự đoán Trung Quốc vẫn là nước đơn lẻ đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay, với nhu cầu ở nước này có thể tăng 530.000 thùng/ngày trong năm 2024.

* Thị trường chứng khoán chờ thêm số liệu của kinh tế Mỹ

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều sau đà bán tháo trên Phố Wall, sau khi Fed đẩy lùi khả năng hạ lãi suất vào tháng Ba.

Tâm lý bi quan trên thị trường còn đến từ kết quả kinh doanh kém khả quan của các “ông lớn” Microsoft và Alphabet, trong khi giới đầu tư cũng đang theo dõi những diễn biến trong cuộc khủng hoảng của Evergrande.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed đều ủng hộ hạ lãi suất trong năm nay, nhưng ông cho rằng Fed sẽ không thể có đủ tự tin về triển vọng lạm phát để có thể hạ lãi suất vào tháng Ba.

Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,8% xuống 36.011,46 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite để mất 0,6% xuống 2.770.74 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) lại tăng 0,52 điểm lên 15.566,21 điểm.

Giới đầu tư đang đón đợi số liệu việc làm chính thức của Mỹ dự kiến được công bố ngày 2/2, sau khi số liệu từ công ty ADP cho thấy khu vực tư nhân của nước này đã tạo ít việc làm hơn dự đoán trong tháng trước.

Tại Việt Nam, kết thúc phiên này, chỉ số VN-Index tăng 8,71 điểm, hay 0,75%, lên 1.173,02 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index ghi thêm 1,4 điểm, hay 0,61%, lên 230,57 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục