Cách phòng và trị bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa Hè (Kỳ 1)

08:37' - 01/05/2017
BNEWS Do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên trẻ nhỏ dễ mắc một số bệnh nguy hiểm nếu không biết cách phòng tránh kịp thời. Sau đây là một số cách phòng tránh đối với một số bệnh thường gặp.
Bệnh nhi chờ được khám bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: Phương Vy/TTXVN
Sự biến đổi của các loại virus, vi khuẩn, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều… là nguyên nhân phát sinh nhiều loại bệnh, đặc biệt vào mỗi dịp hè. Trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên dễ mắc một số bệnh nguy hiểm nếu không biết cách phòng tránh kịp thời.

Thời tiết nắng nóng kết hợp với các nhân tố khác như điều kiện vệ sinh môi trường, một số bệnh chưa có vắc xin hay thuốc điều trị khiến việc kiểm soát những bệnh gây ra do vius, vi khuẩn ngày càng khó khăn hơn, đặc biệt với trẻ em.

1. Viêm não Nhật Bản B

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), viêm não Nhật Bản hay viêm não B là bệnh nhiễm virus cấp tính ở thần kinh trung ương nên có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Thống kê cho thấy có khoảng 20-30% số bệnh nhân có triệu chứng viêm não bị tử vong, thường gặp ở những bệnh nhi nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt. Khoảng 30-50% số người sống sót tiếp tục có biểu hiện rối loạn thần kinh, nhận thức hoặc triệu chứng tâm thần.

- Triệu chứng: Bệnh thường khởi phát rất đột ngột với sốt cao 39 - 40 độ C hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1-2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu. Về tâm thần kinh, có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ, ngoài sốt cao, có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn.

Biến chứng của bệnh cũng rất nặng nề như: viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn bởi sự hỗ trợ hô hấp như thở máy, đặt nội khí quản, thông tiểu... do các dụng cụ y tế không được vô khuẩn tuyệt đối. Một số có di chứng muộn sau một năm trẻ bị bệnh này hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson.

- Cách phòng tránh: Tiêm phòng là cách tốt nhất. Theo đó, tiêm đủ 2 mũi, hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ 3 mũi, đạt 90-95% trong khoảng 3 năm. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh môi trường, nhà ở, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Nên ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối, đề phòng muỗi đốt. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2. Sốt virus

Sốt virus hay sốt siêu vi, sốt dịch là một bệnh xảy ra rải rác trong năm và tăng mạnh vào thời điểm mùa hè hay mùa mưa. Bệnh do virus sống ký sinh trên đường hô hấp và đường tiêu hóa… chúng sẽ phát triển, xâm nhập vào cơ thể người bệnh và gây bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ bị sốt virus nhưng có thể điểm qua những yếu tố sau: do sức đề kháng và hệ thống miễn dịch của trẻ còn yếu, trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột, khối u, hoặc do hệ thống điều khiển thân nhiệt của trẻ bị rối loạn…

- Triệu chứng: Trẻ thường bị sốt cao trên 38,5 độ C trở lên, đau đầu, mệt mỏi, có thể kèm một số triệu chứng khác như sổ mũi, hắt hơi, ho có đờm màu vàng hoặc xanh. Một số trẻ có thể bị phát ban do sởi hoặc do virus rubella gây ra có biểu hiện: các nốt ban màu đỏ mịn, xuất hiện khi trẻ bị sốt từ 2- 4 ngày, bắt đầu từ đầu sau đó lan xuống toàn thân, chân, tay và dần mất đi theo trình tự trên. Ngoài ra, một số trẻ khi bị sốt virus thường nổi hạch ở cổ, sau gáy có thể gây đau đớn và lâu ngày mới tự mất đi.

- Cách phòng tránh: Nên cho trẻ tiêm chủng ngừa bệnh đầy đủ theo đúng lịch. Ngoài ra, xây dựng cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ cho không gian sống của trẻ luôn thoáng mát, vệ sinh cơ thể hàng ngày...

3. Tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy cấp xuất hiện quanh năm, nhưng xảy ra nhiều nhất vào mùa hè. Nguyên nhân của bệnh có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả...) hoặc virus, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Cơ chế gây bệnh có thể do độc tố của vi khuẩn gây ra, triệu chứng thường xuất hiện sớm (dưới 6 giờ sau khi nhiễm bệnh), hoặc do vi khuẩn trực tiếp gây tổn thương hệ thống tiêu hóa, triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện muộn hơn. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Tác nhân gây tiêu chảy thường gây bệnh bằng đường phân - miệng: phân người bị tiêu chảy làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống hoặc do tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc quan trọng nhất là đánh giá mức độ mất nước và bù nước điện giải bằng đường uống dung dịch ORS (oresol), truyền dịch chỉ thực hiện khi mất nước nặng, trẻ nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống. Việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa vi sinh cần phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.

- Cách phòng tránh: Để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý cho uống nước đun sôi, rửa tay trước khi ăn uống, vệ sinh sạch móng tay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục