Cách trị tận gốc bệnh phấn trắng ở hoa hồng

08:57' - 13/03/2019
BNEWS Bệnh phấn trắng ở hoa hồng là bệnh khá phổ biến xuất hiện trong mùa mưa phùn, độ ẩm cao sau Tết. Vậy đâu là cách hiệu quả trị tận gốc bệnh phấn trắng của hoa hồng.

Thời tiết mưa phùn sau tết, độ ẩm cao trên 85%, không khí rất ẩm ướt, là điều kiện “lý tưởng” để bệnh phấn trắng xuất hiện trên diện rộng tại hầu hết các vườn hoa hồng, chậu hoa hồng trồng tại ban công, nhất là ban công chung cư của nhiều gia đình. 

Lá hồng có biểu hiện co lại và xuất hiện lớp phấn trắng. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Bệnh phấn trắng thường hại trên ngọn non, chồi non, lá non, bệnh hại ở cả 2 mặt lá. Vết bệnh dạng bột màu trắng xám, hình thái không nhất định. Thông thường khi vừa bị bệnh, cây hồng có dấu hiệu co lá lại, kiểu như bị trĩ nhưng có một lớp bột trắng, rất dễ phát hiện. 
Khi cây hồng bị bệnh, lá và chồi tương đối khô, đa số lá đều quăn lại, nhìn rất thiếu sức sống. Bệnh nặng hại cả thân, cành, nụ và hoa, làm biến dạng lá, thân khô, nụ ít, hoa không nở, thậm chí chết cây.
Bệnh phấn trắng ở hoa hồng do nấm Sphaerotheca paranosa gây ra. Nấm bệnh phát triển thích hợp trong điều kiện ẩm độ 85%, nhiệt độ 18 độ C.

Bệnh phấn trắng đã lan rộng trên cây, bao bộc quanh các nụ và chồi. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Vì vậy, khi hồng bị bệnh phấn trắng thì cần cắt tỉa toàn bộ chồi, nụ, hoa, lá đã bị nhiễm bệnh, đem rác đi đổ, tiêu hủy.
Sử dụng luân phiên thuốc trị bệnh, một số loại thuốc như Daconil, A.v.tvil 5SC, Mekomil Gold, Đồng Nano, Bellkute 40 WP, Map super 300, ECAmistar top 325SC, Nativo 750WG, Saprol 190DC… thay vì chỉ dùng một loại thuốc. Điều nay tăng cường hiệu quả hơn nhiều so với việc mình chỉ dùng một loại thuốc.
Phun nhắc lại thuốc sau 2 3 ngày tùy tình trạng của bệnh để trị tận gốc các mầm bệnh. Sử dụng chất bám dính khi phun thuốc để tăng hiệu quả việc sử dụng thuốc.
Tiếp tục duy trì chế độ bón phân cho hoa hồng để cây có sức khỏe phát triển bình thường, khi cắt tỉa nhanh chóng cho bật lại lứa mầm lứa hoa mới.
Tuy nhiên, để phòng bệnh phấn trắng cho hoa hồng thì người trồng hoa cần sắp xếp cây trong vườn với mật độ hợp lý, thông thoáng, không quá chật chội, không sắp xếp cây 2 tầng tán tránh tầng dưới mất ánh sáng trực tiếp.

Thực tế là chỉ cần có ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ trên 27 độ C là nấm phấn trắng tự động chết, bệnh sẽ tự động khỏi.
Bên cạnh đó, người trồng hoa cần chú ý theo dõi tình hình thời tiết để chủ động trong việc phòng bệnh.

Ví dụ nếu thời tiết báo sắp có đợt mưa phùn kéo dài thì ngay lập tức phải kiểm tra cây hồng, thực hiện bấm tỉa cành úa lá vàng và phun thuốc phòng bệnh trước khi có mưa về./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục