Cải cách tiền lương phải đạt được mục tiêu tăng lương

21:38' - 20/06/2024
BNEWS Đề cập đến vấn đề nguồn để cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ cho hay, tổng nguồn rất lớn, lên đến 913,3 nghìn tỷ đồng (dự kiến cải cách tiền lương trước đó chỉ khoảng 800 nghìn tỷ đồng).

Thực hiện Nghị quyết 27 theo một lộ trình thận trọng, chắc chắn, hiệu quả, khả thi và đáp ứng được lòng mong mỏi của tất cả. Không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị thiệt thòi trong việc thực hiện tiền lương lần này”.

Nhấn mạnh trên được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu lên trong buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ và gặp mặt các phóng viên, biên tập viên nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), diễn ra chiều 20/6.

* Ba nguyên tắc trong cải cách tiền lương

 

Theo Bộ trưởng, cải cách chính sách tiền lương là một vấn đề hệ trọng, lớn và rất phức tạp, rất nhạy cảm, tác động tới hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong khu vực công, tác động tới trên 50 triệu đối tượng hưởng các cơ chế, chính sách gắn với lương cơ sở.

Đây là việc liên quan đến đời sống của đội ngũ trong khu vực công, cũng như khu vực doanh nghiệp, các đối tượng có liên quan đến phụ cấp và trợ cấp từ lương cơ sở và nguồn ngân sách nhà nước, vì vậy, khi triển khai phải đảm bảo nguyên tắc “thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, toàn diện, đồng bộ, cụ thể, rõ đến đâu thực hiện đến đó, không thể nóng vội”.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương từ tháng 12/2023 đến nay đã có tới 21 cuộc họp, không kể thứ Bảy, Chủ nhật, không kể đêm, để họp bàn, cân nhắc rất kỹ lưỡng, thận trọng để ra được những phương án tốt nhất có thể, trên cơ sở bám theo một số quan điểm và nguyên tắc.

Nguyên tắc đầu tiên đó là phải đảm bảo được sự hài hòa tương quan giữa các đối tượng, công bằng, bình đẳng.

Thứ hai là làm từng bước theo lộ trình, rõ đến đâu, làm đến đấy, những gì khó khăn, vướng mắc, bất cập không được nôn nóng mà phải rất thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng và nếu chưa rõ phải tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thứ ba, khi nói cải cách tiền lương thì phải đạt được mục tiêu tăng lương. Chính vì vậy phải bám sát Nghị quyết 27 để nghiên cứu phương án phù hợp nhất, để tất cả các đối tượng liên quan đến chính sách tiền lương phải được tăng lương. Đây là mục tiêu của Nghị quyết 27, mục tiêu của Đảng và mong muốn, chờ đợi của tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác có liên quan.

“Trên cơ sở 3 quan điểm và nguyên tắc nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã quyết một phương án rất sáng suốt”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đối với khu vực doanh nghiệp, sẽ thực hiện luôn, đầy đủ, toàn diện đúng với tinh thần Nghị quyết 27 cả 2 nội dung là điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của người lao động trong khu vực doanh nghiệp từ ngày 1/7/2024 là 6%.

Đồng thời, thực hiện công tác quản lý thu nhập đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước phát triển và nâng cao đời sống của người lao động.

Còn đối với thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công, phải thực hiện một cách thận trọng theo lộ trình, từng bước, hợp lý, chắc chắn và hiệu quả nhất, an toàn nhất, không gây xáo trộn, phức tạp tình hình và đạt được mục tiêu là tăng cho tất cả các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và hưởng các chính sách liên quan đến an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

* Bố trí 10% quỹ tiền thưởng để thưởng đột xuất và thưởng thành tích

Theo đó, Bộ Chính trị thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã rõ của Nghị quyết 27. Một là thực hiện nâng lương theo vị trí việc làm, theo năng lực.

Hai là bố trí 10% quỹ tiền thưởng bằng tổng quỹ lương cơ bản để thủ trưởng cơ quan, đơn vị thưởng đột xuất và thưởng thành tích hằng năm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đây là một khoản kinh phí rất lớn và cũng là quy định rất mới. Nội dung này đã rõ, có thể cân đối nguồn để thực hiện ngay.

Ba là thống nhất để hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ các nguồn đảm bảo cho cải cách tiền lương. Có 5 nguồn để cải cách tiền lương, trong đó vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế là một trong các nguồn để thực hiện cải cách tiền lương.

Thứ tư là quyết định về việc thống nhất hướng dẫn để thực hiện quản lý tiền lương và thu nhập, rất rạch ròi, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý tiền lương, thu nhập.

Còn hai nội dung hiện nay đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh, đó là các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới, sẽ thực hiện theo lộ trình. Trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, sẽ thực hiện giải pháp điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% từ ngày 1/7/2024.

* Tăng 30% mức lương cơ sở - phương án tối ưu

Người đứng đầu ngành Nội vụ cho biết, khi xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo và bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức đã phát sinh một số vấn đề. Thứ nhất, khi bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương để xây dựng 2 bảng lương này dẫn đến tương quan giữa các đối tượng không đảm bảo.

Công chức - đối tượng tham mưu chiến lược - được tăng rất thấp, chỉ hơn 20%. Đối tượng viên chức có thể tăng được hơn 50%, đối tượng khác cũng tăng thêm tương đương, tính bình quân tăng khoảng 30,6%. Có nhiều đối tượng tăng trên 30%, nhưng nhiều đối tượng tăng rất thấp, chỉ khoảng 3 - 5%. Cũng có nhiều đối tượng không được tăng hoặc thấp hơn so với lương hiện hưởng.

Do thay đổi cơ cấu quỹ phụ cấp trong tổng quỹ lương từ 40%/60% hiện nay (tương ứng quỹ phụ cấp bằng 67% quỹ lương cơ bản), thành 30%/70% (tương ứng quỹ phụ cấp bằng 43% quỹ lương cơ bản, giảm 24% so với hiện nay), đồng thời do bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành và phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới dẫn đến rất nhiều đối tượng phụ cấp sẽ bị tụt giảm.

Phân tâm nhất là lực lượng nhà giáo, một lực lượng lớn trong xã hội, sẽ không còn phụ cấp thâm niên. Những phát sinh này dẫn đến có đối tượng được tăng trên 30%, 15%, nhưng có đối tượng không được tăng hoặc tăng thấp hơn.

“Trước tình hình như thế, buộc phải chọn một phương án tối ưu nhất, hợp lý nhất, công bằng nhất, bình đẳng nhất, hiệu quả nhất. Đó chính là phương án điều chỉnh tăng đều tất cả 30% trên cơ sở giữ mức lương cơ sở”, bà Trà nói.

Bộ trưởng phân tích ưu điểm của phương án này là không tác động, không ảnh hưởng đến các quy định của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước gắn với lương cơ sở, xây dựng các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Hiện nay có trên 10 văn bản pháp luật ban hành các cơ chế, chính sách cho các đối tượng xã hội hưởng chính sách an sinh, phúc lợi xã hội gắn với mức lương cơ sở.

Một số văn bản quy định của Đảng cũng gắn với lương cơ sở và rất nhiều nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng căn cứ vào đó để hỗ trợ phụ cấp cho các đối tượng. Chẳng hạn như hỗ trợ cho học sinh ở vùng khó khăn, thu hút và trọng dụng người có tài năng, hoặc những chính sách đặc thù của địa phương, hỗ trợ thêm cho người cao tuổi… Khi bãi bỏ văn bản, chính sách này sẽ tác động ngay trực tiếp đến trên 50 triệu người.

“Không thể kịp trở tay để xoay sở. Tham chiếu thế nào khi luật vẫn còn hiệu lực. Tham chiếu thế nào khi tất cả các văn bản chưa được sửa đổi, bổ sung?”, bà Trà đặt vấn đề.

“Đau đầu các đồng chí ạ. Thực sự Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, chúng tôi có những giờ phút suy nghĩ cân nhắc vô cùng nặng nề để lựa chọn phương án. Cuối cùng chọn phương án này là tối ưu nhất,”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bà cho biết, sẽ thực hiện theo lộ trình việc trả lương theo vị trí việc làm và chức vụ, chức danh lãnh đạo. Còn trước mắt giữ nguyên tất cả các loại phụ cấp hiện nay đang được hưởng và tiếp tục rà soát với một số đối tượng còn bất cập trên thực tiễn, thời gian vừa qua đã đề xuất nhưng chưa được giải quyết. Bộ Chính trị thống nhất giao cho Chính phủ nghiên cứu, rà soát, bổ sung.

* Tiếp tục tiết kiệm dành nguồn cải cách tiền lương

Đề cập đến vấn đề nguồn để cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ cho hay, tổng nguồn rất lớn, lên đến 913,3 nghìn tỷ đồng (dự kiến cải cách tiền lương trước đó chỉ khoảng 800 nghìn tỷ đồng). Số này dành cho tăng 30% lương cơ sở, 10% tiền thưởng, tăng 15% lương hưu, 35,7% trợ cấp ưu đãi người có công và 38,9% trợ cấp xã hội.

Từ năm 2019 đến nay, chúng ta tiết kiệm được 680 nghìn tỷ đồng. Vẫn còn phải tiếp tục tiết kiệm để đủ trả lương, thưởng, cũng như các chính sách gắn với mức lương cơ sở.

Bộ Nội vụ với trách nhiệm là cơ quan phối hợp tham mưu, cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tới đây, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội, chính thức ban hành nghị định và bắt đầu thực hiện luôn từ ngày 1/7.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, tới đây, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tiến hành sơ kết, đánh giá lại những vấn đề khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết 27, đặc biệt là việc xây dựng các bảng lương cũng như phụ cấp, từ đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp những vấn đề căn cốt để thực hiện bảng lương theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo. Đến thời điểm hợp lý, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về vấn đề này. Sẽ tiếp tục triển khai cải cách tiền lương một cách triệt để khi đủ điều kiện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục