Cần chấn chỉnh tình trạng xe hợp đồng trá hình tại Tp. Hồ Chí Minh

17:24' - 03/11/2023
BNEWS Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, cần phải siết chặt quản lý xe khách hợp đồng, xe dù bến cóc để hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô được lành mạnh, phát triển.
Tại buổi gặp gỡ giữa Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn, diễn ra ngày 3/11, đại diện Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: cần phải siết chặt quản lý xe khách hợp đồng, “xe dù bến cóc” để hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô được lành mạnh, phát triển.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố đã có kế hoạch siết chặt về việc đón trả khách sai quy định và định kỳ hàng quý Ban An toàn giao thông có đánh giá vấn đề này. Thành phố quyết tâm, vào cuộc và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Sau khi cấm xe khách giường nằm vào nội đô theo khung giờ, các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý "xe dù bến cóc", lượng khách qua Bến xe miền Đông mới tăng lên 4 lần.

 
Ông Lâm chia sẻ, không phải cứ thấy dư luận bức xúc là xử lý mà phải thực hiện theo quy định. Việc xử lý chưa triệt để “xe dù bến cóc” là do hiện nay đang thiếu công cụ và cần bổ sung một số chế tài để xử lý nghiêm. Sở đã nhận diện và có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải các nội dung, thậm chí cần có cơ chế riêng, thí điểm.

Để hết “xe dù bến cóc” và xe hợp đồng trá hình, ông Trần Quang Lâm cho rằng, sẽ rất vất cả nhưng nếu quyết tâm sẽ làm được. Sau vụ việc Thành Bưởi, nhiều doanh nghiệp sẽ thay đổi, một số hợp tác xã đã trả phù hiệu, thanh lý hợp đồng với xã viên vi phạm. “Sở Giao thông Vận tải dự kiến sẽ tổ chức hội nghị để các doanh nghiệp ký cam kết và theo dõi sát sao để xử lý. Sở cũng sẽ thành lập bộ phận để theo dõi, lọc dữ liệu; lên kế hoạch kiểm tra, thậm chí kiểm tra đột xuất”, ông Trần Quang Lâm chia sẻ.

Dù lượng khách qua Bến xe miền Đông mới có tăng so với thời gian trước, tuy nhiên sản lượng khai thác không cao. Hoạt động khai thác của bến xe mới chưa tương xứng với hạ tầng hiện đại được đầu tư.

Theo ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Ban Bến xe miền Đông mới, hiện nay, nhiều đơn vị vận tải muốn quay lại Bến xe miền Đông cũ để hoạt động, như tuyến Tp. Hồ Chí Minh về Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhiều doanh nghiệp “lách” bằng cách đăng ký tuyến đường Bến xe miền Đông cũ, đi bến xe Bình Dương, rồi từ Bình Dương đăng ký tuyến đường về các tỉnh trên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Kumho Samco cho rằng, sản lượng khách đi qua Bến xe miền Đông mới (thành phố Thủ Đức) thấp là do xe chạy hợp đồng trá hình tuyến cố định rất nhiều. So với các tuyến từ Bến xe miền Đông hiện hữu (Bình Thạnh), sau khi di dời ra bến mới thì hiện chỉ có 20%, số còn lại là bên ngoài.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, xe chạy hợp đồng bên ngoài có rất nhiều lợi thế, đó là không bị kiểm tra chế tài nhiều, hành khách được lên xe ở trong trung tâm thành phố. Hoạt động trá hình này dẫn tới không bình đẳng cho các nhà xe vào bến. Bài toán đặt ra là cần kiểm tra xe hợp đồng trá hình, có tiềm ẩn nguy cơ về thất thoát ngân sách Nhà nước. Chế tài, phạt tiền, rút phù hiệu với xe trá hình là chưa đủ nghiêm răn đe nên tình trạng này xử lý mãi không xong.

Một số đại biểu cũng chỉ ra, hiện nay thành phố cấm xe khách giường nằm vào trung tâm từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Các đơn vị thường cố gắng chạy thật nhanh để vào trung tâm trước 6 giờ sáng, điều này vô cùng nguy hiểm. Do đó, nhiều đại biểu đề xuất thành phố cấm xe giường nằm vào nội đô 24/24./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục