Cần chính sách hỗ trợ kịp thời để giữ đà tăng trưởng khi tăng giá điện

14:42' - 10/05/2025
BNEWS Từ hôm nay 10/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 2.103,11 đồng lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,8%.

Trước thay đổi này, sáng 10/5, bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhiều đại biểu Quốc hội nhận định đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Việt Nam từng bước phát triển và hội nhập, nhưng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ kịp thời để không làm gia tăng gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Việc tăng giá điện có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sinh hoạt, sản xuất và mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, vốn đang phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng nội địa và đầu tư công. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện và phát triển năng lượng tái tạo, các chính sách về thuế và an sinh xã hội cũng cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo ổn định vĩ mô và phát triển bền vững.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh): Cần chính sách hỗ trợ để giảm gánh nặng và duy trì tăng trưởng

Giá điện đã chính thức được điều chỉnh tăng, điều quan trọng hiện nay là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tiết kiệm điện của người dân. Bên cạnh đó, việc khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời cũng cần được đẩy mạnh để giảm áp lực chi phí lên hộ gia đình và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có thể việc tăng giá điện sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm và mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 8% trong năm nay, đây là một yếu tố cần đặc biệt theo dõi và tính toán kỹ lưỡng trong kịch bản điều hành kinh tế vĩ mô.

Do vậy, tôi cho rằng cần sớm có các chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân, doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, có thể xem xét các biện pháp về thuế như kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng, cân nhắc điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như nâng mức giảm trừ gia cảnh để người lao động có thêm thu nhập và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Trong bối cảnh xuất khẩu đang chững lại, tăng trưởng kinh tế hiện nay phụ thuộc lớn vào hai trụ cột còn lại: đầu tư và tiêu dùng. Đầu tư nước ngoài sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới, khiến đầu tư công trở thành kỳ vọng chủ lực. Khi cả ba động lực lớn (xuất khẩu – đầu tư – tiêu dùng) đều gặp khó khăn, việc hỗ trợ tiêu dùng nội địa là giải pháp quan trọng để duy trì đà tăng trưởng.

Trước tình hình đó, chúng ta cần đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo chính sách giá điện không trở thành gánh nặng lớn cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời không làm suy yếu động lực tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương): Tăng giá điện cần song hành với chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp

Việc điều chỉnh tăng giá điện là xu thế bắt buộc trong bối cảnh hiện nay, khi giá điện tại Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ở các quốc gia phát triển, giá điện trung bình cá hộ gia đình phải trả là 20 US cent /kWh, tương đương 5.200 đồng/kWh, còn ở Việt Nam khi tăng lên trung bình 2.200 đồng/kWh, tương đương 8 US cent/kWh, vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước phát triển và thấp hơn so với khu vực.

Khi nền kinh tế ngày càng phát triển và thu nhập người dân tăng lên, đặc biệt là sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, thì tôi cho rằng việc điều chỉnh giá điện theo hướng tiệm cận với mặt bằng chung toàn cầu là điều tất yếu. Khi đã trở thành nước có thu nhập trung bình cao, thậm chí là nước giàu trong tương lai, Việt Nam không thể tiếp tục duy trì giá điện ở mức thấp như hiện nay.

Việc tăng giá điện có thể gây ảnh hưởng nhất định đến chi phí sinh hoạt và sản xuất, nhưng điều đó là cần thiết để đảm bảo hiệu quả đầu tư vào ngành điện, khuyến khích tiết kiệm năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Quan trọng hơn, chính sách cần đi kèm với các biện pháp hỗ trợ phù hợp đối với nhóm hộ nghèo, người thu nhập thấp, thông qua các cơ chế trợ giá hoặc hóa đơn điện bậc thang hợp lý.

Nếu tiếp tục duy trì giá điện thấp một cách kéo dài, lợi ích chủ yếu sẽ thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và một số ngành sản xuất lớn, trong khi người dân lại không được hưởng lợi tương xứng. Do đó, xây dựng một lộ trình tăng giá điện minh bạch, hợp lý, đi đôi với chính sách an sinh xã hội là bước đi cần thiết để đảm bảo công bằng và phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục