Cần một quy trình chung kiện toàn mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng

13:32' - 17/08/2023
BNEWS Tiếp tục thảo luận để xác định giải pháp nâng cao vai trò và có cơ chế, chính sách mở rộng hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng là một trong những nhiệm vụ kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở.

Phát biểu tại Tọa đàm “Giải pháp nâng cao năng lực khuyến nông cơ sở thông qua kiện toàn Tổ khuyến nông cộng đồng các tỉnh phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 17/8 tại Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Vai trò của Tổ khuyến nông cộng là không thể thiếu ở cơ sở vì đây là lực lượng đồng hành sát thực nhất, gắn bó mật thiết và gần gũi nhất với người sản xuất, là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp ở cơ sở.

Vì vậy, việc tiếp tục thảo luận để xác định các giải pháp nâng cao vai trò và có cơ chế, chính sách để thúc đẩy và mở rộng hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng là một trong những nhiệm vụ nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó có tiêu chí 13.5 quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có “Tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả”.

Đây là một nội dung yêu cầu mới trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu nhằm phát huy vai trò của hệ thống khuyến nông trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân ở các xã nông thôn mới.

Để hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả nội dung này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng”.

Mục tiêu của Đề án nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông theo hướng đa dạng hóa chức năng và loại hình hoạt động khuyến nông; phát triển dịch vụ khuyến nông theo hướng xã hội hóa, tích hợp đa giá trị nhằm tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho các đối tượng tham gia khuyến nông.

Sau hơn 1 năm triển khai, Đề án đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc tham gia rất tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cũng như các doanh nghiệp, tạo nên một phong trào “khuyến nông cộng đồng” trong toàn hệ thống khuyến nông và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Ở 13 tỉnh tham gia Đề án đã thành lập được 26 Tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm (với tổng số 168 thành viên) và 562  Tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng (với tổng số 4.276 thành viên). Đề án đã tổ chức được nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng như: hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức tập huấn, tư vấn, hội thảo, tọa đàm, truyền thông, xây dựng bộ tài liệu đào tạo khuyến nông cộng đồng để sử dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Ngoài 13 tỉnh tham gia Đề án thí điểm, hiện tại trên cả nước đã có thêm nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ khuyến nông cộng đồng như: Hải Phòng; Phú Thọ; Điện Biên; Hậu Giang; Quảng Nam; Lạng Sơn; Bắc Giang; Thái Nguyên; Hà Nội; Bình Định; Bình Phước; Ninh Thuận; Bến Tre; Vĩnh Long; Cần Thơ… Trong đó có một số tỉnh đã thành lập số lượng lớn các Tổ khuyến nông cộng đồng như: Hải Phòng (132/132 xã có Tổ khuyến nông cộng đồng); Phú Thọ (200/200 xã có Tổ khuyến nông cộng đồng); Yên Bái (103/173 xã có Tổ khuyến nông cộng đồng); Điện Biên (97/100 xã có Tổ khuyến nông cộng đồng)...

Trên cơ sở kinh nghiệm của Đề án thí điểm, các tỉnh đã rất chủ động, trách nhiệm bố trí nguồn ngân sách địa phương để tăng cường năng lực cho các Tổ khuyến nông cộng đồng và tạo điều kiện về cơ chế chính sách để các Tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động dịch vụ khuyến nông và bước đầu đã có thu nhập từ dịch vụ khuyến nông.

Thực tiễn đã cho thấy “Khuyến nông cộng đồng” đã trở thành vấn đề mang tính thời sự và được cả xã hội quan tâm. Các địa phương, doanh nghiệp và nông dân đều mong muốn Bộ Nông nghiệp và PTNT khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để nhân rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng ra toàn quốc.

Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cho biết, mặc dù 100% các xã ở Hải Phòng đều hình thành Tổ khuyến nông cộng đồng, nhưng thực tế hoạt động của các Tổ khuyến nông cộng đồng còn rất nhiều khó khăn do chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ; chưa có kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động, cũng như chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động, mà hầu hết là tự nguyện và lồng ghép.

Ở góc độ một địa phương có sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển, Tổ khuyến nông cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc tham gia tổ chức các chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa, tuy nhiên, bà Ngần Thị Minh Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La cũng cho rằng, hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng ở Sơn La cũng còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất; địa điểm hoạt động; cơ chế, chính sách cụ thể và nguồn kinh phí ổn định để hỗ trợ cho lực lượng tham gia Tổ khuyến nông cộng đồng...

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cũng cho rằng, hiện chưa có một “bài toán mẫu” nào về mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng mà vẫn dựa trên những mô hình thực tế để đi tìm một lời giải chung. Vì vậy việc cần thiết phải có một quy trình chung, cùng các cơ chế, chính sách, cách thức hoạt động thống nhất là nhiệm vụ ngành nông nghiệp phải thực hiện để mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng có một định hướng, giải pháp nhất quán trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục