Cần quy hoạch các tuyến phố kinh doanh thức ăn đường phố, đảm bảo an toàn thực phẩm

20:57' - 20/09/2017
BNEWS Việc quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố hiện còn khó khăn do số cơ sở lớn, luôn biến động, đặc biệt khu vực ven đô, khu có đông người lao động thuê trọ,...
Cần quy hoạch các tuyến phố kinh doanh thức ăn đường phố, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa: Phạm Kiên - TTXVN

80% cơ sở thức ăn đạt điều kiện về cơ sở vật chất và đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm; nhận thức vai trò quản lý, kiểm soát của chính quyền cơ sở được nâng lên. Đây là đánh giá của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền về kết quả thí điểm quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại Hội thảo “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại Hà Nội” do báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức chiều 20/9.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố từ năm 1998 tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và tuyến phố Núi Trúc (quận Ba Đình).

Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ra 30 tuyến phố văn minh và mô hình cải thiện an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống tại 198 phường, thị trấn. Qua đánh giá cho thấy, công tác quản lý an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống đã có nhiều chuyển biến tích cực với 99% cơ sở ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, 80% cơ sở đạt điều kiện về cơ sở vật chất và đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm; nhận thức vai trò quản lý, kiểm soát của chính quyền cơ sở được nâng lên.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, địa bàn thành phố có khoảng 26.609 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trong đó đa số là cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thức ăn chín), 5.218 cơ sở thức ăn đường phố.

Hàng năm, các đoàn kiểm tra giám sát trung bình 110.000 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, số cơ sở đạt tiêu chí an toàn thực phẩm trên 80%. Các tiêu chí an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn từng bước được cải thiện (tăng từ 78,9% năm 2013 lên trên 85% năm 2016).

Mô hình cải thiện dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố đã thu được kết quả trên nhiều phương diện như: Cải thiện điều kiện vệ sinh cơ sở, ý thức chấp hành các quy định của chủ cơ sở, sự tham gia quản lý, giám sát và kiểm soát của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Tụ, việc quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố hiện còn khó khăn do số cơ sở lớn, luôn biến động, đặc biệt khu vực ven đô, khu có đông người lao động thuê trọ, khu có nhiều công trình xây dựng dở dang...

Những nơi này có nhiều quán ăn bình dân không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Cơ sở vật chất dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố chật hẹp, vệ sinh mặt nền chưa gọn sạch, trang thiết bị dụng cụ chưa thay thế kịp thời, lấn chiếm vỉa hè, cơ sở ăn uống tại các chợ cóc, chợ tạm thực hành vệ sinh không đảm bảo...

Mặt khác, một số chính quyền địa phương chưa quan tâm thường xuyên, còn nể nang trong quản lý, xử phạt vi phạm chưa nghiêm. Ý thức thực hành vệ sinh của người chế biến còn hạn chế, ý thức một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Ngộ độc thực phẩm, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đánh giá, hiệu lực quản lý thức ăn đường phố các cấp quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội còn chưa thường xuyên, cần sự quản lý chặt chẽ, vào cuộc quyết liệt, xử lý triệt để hơn nữa mới có thể ngăn chặn được tình trạng làm ăn dối trá.

Thành phố cần có quy hoạch các tuyến phố kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống đảm bảo các quy định về nước sạch và các tiêu chí theo quy định của Luật An toàn thực phẩm./.

>> Mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm chưa đủ sức răn đe

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục