Cần Thơ hướng tới đô thị thông minh đầu tiên của khu vực Tây Nam Bộ

20:05' - 08/03/2019
BNEWS Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển thành đô thị thông minh đầu tiên của khu vực Tây Nam Bộ.
Thành phố Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Thành phố Cần Thơ đang từng bước gia nhập "hàng ngũ" những thành phố hiện đại trong khu vực và trên thế giới, đó là đánh giá được đưa ra dựa trên kết quả đo lường chỉ số thịnh vượng đô thị thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017 - 2018 do Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 8/3.

Bộ chỉ số thịnh vượng đô thị (CPI) là bộ chỉ số mang tính toàn cầu do UN-Habitat (Chương trình định cư con người Liên Hiệp Quốc) xây dựng để đo hiệu quả toàn diện của đô thị trong việc tạo ra và phân phối các lợi ích kinh tế - xã hội.

CPI đánh giá sự thịnh vượng đô thị dựa vào 62 tiêu chí được chia thành 6 nhóm, gồm: năng suất, phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng cuộc sống, môi trường bền vững, công bằng và hòa nhập xã hội, quản trị và lập pháp đô thị.

Từng nhóm khía cạnh này còn có thêm những mức đánh giá cụ thể (cơ bản và mở rộng) nhằm đo lường những chỉ số đa chiều trong thịnh vượng của đô thị.

Theo kết quả được đưa ra, chỉ số thịnh vượng chung của Cần Thơ là 66,78/100. Trong đó, thành phố có 32/62 tiêu chí được xếp ở mức phát triển “cơ bản” – tức ngưỡng tối thiểu để được công nhận là đô thị thịnh vượng, tập trung chủ yếu vào những khía cạnh tăng trưởng kinh tế, lưu thông đô thị, y tế và giáo dục.

Mặt khác, thành phố cũng có 30/62 tiêu chí được xếp ở mức phát triển “mở rộng” - vượt ngưỡng tối thiểu để lên mức phát triển ưu việt, bao gồm những khía cạnh về hạ tầng, công nghệ thông tin, bình đẳng kinh tế, hòa nhập xã hội và chất lượng môi trường.

Các chỉ số này tuy nhìn chung còn khoảng cách khá xa so với nhiều đô thị trong khu vực châu Á và trên thế giới, nhưng vẫn cho thấy thành phố Cần Thơ đang có những bước phát triển đúng đắn theo hướng hiện đại không chỉ ở việc nâng cấp hạ tầng mà còn chú trọng đến chất lượng cuộc sống và môi trường bền vững.

Đây là tín hiệu tích cực đối với một đô thị đang trong giai đoạn đổi mới phát triển như Cần Thơ và thành phố hoàn toàn có triển vọng bước vào "hàng ngũ" những đô thị kiểu mẫu, hiện đại trên thế giới nếu tiếp tục nỗ lực hoàn thiện các chỉ số kinh tế - xã hội cơ bản.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển thành đô thị thông minh đầu tiên của khu vực Tây Nam Bộ thông qua sử dụng công nghệ thông tin hiện đại hướng tới phục vụ người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng quản lý nhà nước; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh ngày càng văn minh, hiện đại; đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Đào Anh Dũng cũng lưu ý các sở, ngành khi xây dựng kế hoạch phát triển Cần Thơ thành mô hình đô thị thông minh cần phải dựa trên 3 điểm mấu chốt: tối đa hóa khả năng tiếp cận, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với doanh nghiệp.

Trong đó, yếu tố doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu vì có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị thông minh và sẽ được hỗ trợ đồng bộ từ hạ tầng cơ sở đến các chính sách dựa trên công nghệ kỹ thuật hiện đại.

Trên cơ sở đưa thành phố Cần Thơ trở thành đô thị thông minh vào năm 2025, các sở, ngành của thành phố đã có nhiều kế hoạch để đạt được mục tiêu.

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đang tiến hành thiết lập các nền tảng công nghệ dùng chung cho đô thị thông minh nhằm triển khai xây dựng mô hình chính quyền số với năng lực xử lý, khả năng lưu trữ, mức độ an toàn, bảo mật dữ liệu…

Sở Giao thông Vận tải bắt đầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp và quản trị các dịch vụ giao thông vận tải và giao thông đô thị nhằm tăng cường các tiện ích giao thông tới người dân, doanh nghiệp; nâng cao sự hài lòng của người tham gia giao thông.

Mục tiêu lâu dài là giảm tai nạn giao thông, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân; giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch tổng thể và năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của thành phố.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục