Cần Thơ loay hoay giải cứu nông sản

16:02' - 30/06/2017
BNEWS Việc giải cứu thịt lợn cho người nông dân chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu về dài cần quy hoạch lại ngành chăn nuôi, tránh tính trạng cung vượt cầu như hiện nay.
Cần Thơ loay hoay giải cứu nông sản. Ảnh minh họa: TTXVN
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chứng kiến liên tiếp các mặt hàng nông sản rớt giá thê thảm, đã có nhiều cuộc vận động để giải cứu từ chuối, dưa hấu, bí đỏ đến thịt lợn. Dù đây không phải là vấn đề mới nhưng hiện tại người dân vẫn loay hoay trong kế mưu sinh tìm đầu ra cho nông sản trong khi giải pháp chỉ mang tính tạm thời.

Câu chuyện về giá thịt lợn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang trong tình trạng ảm đạm và cũng không thấy khả quan cho các hộ chăn nuôi khi giá lợn vẫn tiếp tục giảm. Đây là nguyên nhân vì sao nhiều hộ chăn nuôi công nghiệp đã cắt giảm chi phí để duy trì đàn mà vẫn chưa biết đầu ra cho con lợn ở đâu.

Để duy trì, không ít gia đình tại Cần Thơ đã chuyển sang nuôi lợn thịt bởi lợn giống không bán được. Hơn nữa, nhiều chi phí phục vụ đàn lợn cũng đang bị cắt giảm dần; trong đó có cả thuốc thú ý. Tuy nhiên, đây là vấn đề đáng quan ngại bởi có thể dịch bệnh có thể bùng phát trong thời gian tới.

Ông Lê Văn Mạnh, chủ trang trại nuôi heo giống ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ cho biết, lợn rớt giá nhiều tháng qua nhưng gần đây giá cám, thức ăn đầu vào mới giảm được khoảng 8.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi một con lợn đến khi xuất chuồng chỉ khoảng 3,3 – 3,4 triệu đồng. Vì thế, với giá bán 2,4 triệu đồng/tạ thời điểm này thì mỗi con lợn bán ra người nuôi cầm chắc lỗ gần 1 triệu đồng.

Theo ông Lý Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, để hỗ trợ cho người chăn nuôi, bình quân mỗi ngày công ty giết mổ 500 con lợn. Ngoài cung cấp thịt lợn cho hệ thống chợ đầu mối lớn thì còn phân phối cho tất cả hệ thống siêu thị hoạt động ở Cần Thơ và một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, việc giải cứu thịt lợn cho người nông dân chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu về dài cần quy hoạch lại ngành chăn nuôi, tránh tính trạng cung vượt cầu như hiện nay.

Trước mắt, công ty sẽ liên kết tìm nhiều điểm để tiêu thụ thịt lợn. Khi giá thành tốt, người dân phải bỏ ra ít tiền hơn thì lượng thịt tiêu thụ sẽ nhiều hơn. Lúc đó số lợn còn tồn của các hộ dân sẽ giảm dần.

Thống kê cho thấy, tổng đàn lợn của thành phố Cần Thơ còn trên 130.000 con; trong đó lợn nái sinh sản hơn 17.000 con. Số lợn thịt đạt 100 kg/con, chờ xuất chuồng còn gần 19.000 tấn. Bên cạnh đó, theo Chi cục Thú y thành phố, bình quân mỗi tháng Cần Thơ còn tiếp nhận lượng thịt lợn từ các tỉnh khác đưa về ít nhất 3.000 tấn.

Với những hộ nuôi nhỏ lẻ, người nuôi có thể treo chuồng để tránh lỗ còn những nơi chăn nuôi quy mô lớn như các trang trại, hợp tác xã thì tình trạng còn bi đát hơn. Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hiếu Bình, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ cho biết, hiện tại, hợp tác xã đang nuôi 5.000 con lợn và đang chịu lỗ, chờ hết lứa này cũng không thể tái đàn vì nguồn vốn không còn cũng như chăng biết bao giờ giá lợn mới tăng trở lại.

Tuy vậy, ông Khải vẫn lạc quan rằng khi lượng lợn tồn trong dân giảm đi nhiều thì giá sẽ tăng trở lại. Khi đó số lợn đang nuôi gối đầu của các thành viên hợp tác xã sẽ được giá hơn.

Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Cần Thơ vừa tổ chức giải cứu lợn bằng chương trình “Hỗ trợ hộ chăn nuôi - trợ giá người tiêu dùng”. Qua 3 ngày diễn ra từ 19-21/6, với 3 điểm bán chương trình đã tiêu thụ hết 30 tấn thịt lợn với giá từ 35.000 – 39.000 đồng/kg.

Theo ông Huỳnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Cần Thơ, thịt lợn bán trong chương trình được thu mua từ các hộ nuôi trên địa bàn Cần Thơ với giá 30.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường hiện nay.

Không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực mà chương trình mang lại đã giúp người chăn nuôi bớt lỗ, người tiêu dùng có cơ hội mua thịt với giá rẻ, nhưng với gần 19.000 tấn lợn thịt còn tồn đọng của Cần Thơ thì con số này dường như còn quá ít.

Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ ngày 27/6, trả lời ý kiến của cử tri về việc nông sản bị rớt giá trong nhiều năm qua và giải cứu chỉ là giải pháp tạm thời, nhà nước cần tính toán đầu ra ổn định cho nông sản để nông dân yên tâm sản xuất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thời gian qua, nền nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, đầu vào thì cao, đầu ra thì thấp, giá cả bấp bênh.

"Nay giải cứu thịt lợn, mai giải cứu dưa hấu, mốt không biết còn giải cứu cái gì nữa. Cuộc sống nông dân rất khó khăn, nhưng chính sách nhà nước làm sao để người dân làm lúa, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long phải có lãi và sống được trên đất trồng lúa, thì phải có chính sách" – Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, thành phố đang thực hiện quy hoạch, cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng liên kết sản xuất giữa người nuôi với doanh nghiệp thức ăn, thuốc thú y và doanh nghiệp tiêu thụ; trong đó, áp dụng khoa học công nghệ để nuôi lợn an toàn, giảm chi phí giá thành. Đồng thời không tăng đàn trong điều kiện bấp bênh về giá cả và tiêu thụ khó khăn.

Cũng theo bà Kiều, Cần Thơ sẽ từng bước xây dựng lại hệ thống giết mổ tập trung để ứng dụng những công nghệ mới với những dây chuyền tiên tiến, hiện đại. Từ đó mới tạo ra được sản phẩm an toàn, để cho người chăn nuôi an tâm sản xuất, giá trị hàng hóa được đảm bảo hơn.

Giá lợn đã xuống mức chạm đáy, khiến không ít các hộ chăn nuôi trắng tay, thậm chí còn lâm cảnh nợ lần. Câu chuyện cứ đến hẹn lại giải cứu chỉ là giải tình thế trước mắt.

Về lâu về dài, ngành nông nghiệp cần tập trung liên kết, quy hoạch lại sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, định hướng cho đầu ra cho sản phẩm để người nông dân không còn phải loay hoay trước câu trả lời nông sản đi về đâu khi được mùa. Khi đó, câu chuyện giải cứu hay giải pháp mới thực sự mang lại hiệu quả bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục