Cần Thơ: Rà soát, đề xuất chính sách phù hợp thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp

14:18' - 07/04/2023
BNEWS Nghị quyết số 07 của HĐND thành phố Cần Thơ ban hành nhiều chính sách ưu đãi và triển khai được 4 năm nhưng đến nay các sở chuyên ngành chưa ghi nhận trường hợp đề xuất được hưởng chính sách hỗ trợ.

Sáng 7/4, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 07/2018/NQ- HĐND (gọi tắt Nghị quyết 07) của HĐND thành phố quy định chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án ngoài ngân sách nhà nước và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.

 

Nghị quyết 07/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố ưu tiên 5 lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất: Du lịch cộng đồng; vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp tại các quận, huyện; các chợ xã xây dựng và nâng chất nông thôn mới, không gắn với đầu tư khu dân cư nông thôn; các dự án bảo quản sau thu hoạch đối với trái cây. Ngoài ra, Nghị quyết 07 cũng hỗ trợ 20% giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp.

Mặc dù, Nghị quyết 07 ban hành nhiều chính sách ưu đãi và triển khai được 4 năm nhưng đến nay, các sở chuyên ngành chưa ghi nhận trường hợp đề xuất được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất cũng như hỗ trợ tiền thuê mặt bằng theo Nghị quyết này.

Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, kết quả này chưa đúng như kỳ vọng của Hội đồng nhân dân thành phố. Mặc dù, chính sách đúng nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp; doanh nghiệp chưa hiểu được chủ trương, chính sách của Nghị quyết 07; mức hỗ trợ doanh nghiệp thuê mặt bằng ở các khu, cụm công nghiệp còn thấp.

Vì vậy, để kích thích đầu tư, mức độ tiếp cận của doanh nghiệp tham gia Nghị quyết 07/2018/NQ-HĐND, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ đề nghị, nâng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp thuê mặt bằng ở các khu, cụm công nghiệp; cơ quan chuyên môn rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách hấp dẫn, xác định lĩnh vực ưu đãi phù hợp hơn với tình hình thực tế của địa phương, nhu cầu của doanh nghiệp và quy định của pháp luật; sở chuyên ngành đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương thu hút doanh nghiệp tham gia tiếp cận Nghị quyết 07.

UBND thành phố ban hành thể chế, trình tự danh mục đảm bảo tính pháp lý, đơn giản, gọn gàng dễ thực hiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...

Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân Nghị quyết 07/2018/NQ-HĐND không thu hút được doanh nghiệp là do doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để tiếp cận, đề xuất hỗ trợ; quy mô sản xuất các loại cây ăn quả chủ lực trên địa bàn thành phố chưa lớn nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia dự án; dự án bảo quản sau thu hoạch đối với trái cây có mức đầu tư cao, tuy nhiên chỉ hỗ trợ lãi suất, nên các tổ chức kinh tế tập thể (hợp tác xã) chưa tiếp cận được.

Việc kêu gọi đầu tư các chợ xã xây dựng và nâng chất nông thôn mới, không gắn với đầu tư khu dân cư nông thôn gặp nhiều khó khăn do chợ có diện tích nhỏ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, chi phí đầu tư cao, khả năng thu hồi vốn chậm.

Bên cạnh đó, các chính sách cũng chưa đủ hấp dẫn, chưa thực sự đáp ứng mong muốn, nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đa phần các nhà đầu tư không mong muốn hỗ trợ lãi suất dự án đầu tư mà quan tâm nhiều hơn nội dung ưu đãi về đất đai, thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án...

Trong khi đó, ông Phạm Duy Tín, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất thành phố Cần Thơ cho biết, chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các khu công nghiệp nhằm cụ thể hóa Khoản 2 Điều 11 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, ngân sách thành phố chỉ xem xét hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp trong suốt 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê mặt bằng (trung bình mỗi năm khoảng 20 triệu đồng/doanh nghiệp). Qua khảo sát, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó thuê được mặt bằng trong các khu công nghiệp do quy mô sản xuất nhỏ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục