Cần Thơ: Thiệt hại do thiên tai lên tới gần 37 tỷ đồng

18:19' - 20/08/2018
BNEWS Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, 8 tháng năm 2018, thiệt hại do thiên tai, chủ yếu là sạt lở và lốc xoáy với Cần Thơ khoảng 36,7 tỷ đồng.
Đợt mưa giông, lốc xoáy diễn ra từ ngày 9 – 13/8/2018 trên địa bàn các huyện Phong Điền, Thới Lai và Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) đã làm sập, tốc mái 41 căn nhà của người dân, ước tính thiệt hại trên 700 triệu đồng. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Ngày 20/8, đoàn công tác do ông Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND thành phố Cần Thơ về công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết: 8 tháng năm 2018, thiệt hại do thiên tai, chủ yếu là sạt lở và lốc xoáy gây ra trên địa bàn Cần Thơ khoảng 36,7 tỷ đồng.

Trong đó, lốc xoáy xảy ra 23 đợt làm chết 1 người, 44 căn nhà bị sập, 183 căn bị tốc mái, xiêu vẹo với thiệt hại ước khoảng 3,1 tỷ đồng. Đối với sạt lở, từ đầu năm đến nay, Cần Thơ xuất hiện 16 điểm với tổng chiều dài hơn 586m, làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà, 43 căn khác bị ảnh hưởng hoặc sạt một phần, gây thiệt hại khoảng 33,6 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2010 – 2017, tại Cần Thơ, tổng số người bị thiệt mạng do thiên tai gây ra là 57 người, nhiều nhất là đuối nước với 39 người, sét đánh 14 người và 4 người bị thiệt hại do sạt lở, 1.537 căn nhà bị sập, tốc mái.

Theo ông Ninh, nhờ thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” nên công tác khắc phục thiệt hại sau khi thiên tai xảy ra được thực hiện khẩn trương, góp phần ổn định đời sống người dân. Tính đến ngày 17/8, Cần Thơ đã trích từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai của thành phố số tiền gần 2,55 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cũng theo ông Ninh, hiện Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ đang tiếp tục rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các quận, huyện để đề xuất Chủ tịch UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí từ Quỹ phòng chống thiên tai nhằm kịp thời hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng.

Trong những năm gần đây, sạt lở bờ sông tại Cần Thơ xảy ra ngày càng nghiêm trọng và phức tạp. Do đó, Cần Thơ kiến nghị Trung ương xem xét bố trí vốn cho thành phố để xây dựng một số công trình kè chống sạt lở trọng điểm trong giai đoạn 2018 – 2020, như Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn đoạn khu vực Thới Lợi, phường Thới An, chiều dài 2.000m, đoạn phường Thới Hòa chiều dài 1.900m. Tổng kinh phí dự kiến cho hai đoạn này khoảng 456 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được địa phương xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Đối với Cần Thơ, các loại thiên tai thường xuyên xảy ra là sạt lở bờ sông, giông lốc, ngập lụt và sấm sét. Trước tình hình thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều và phức tạp, ông Dũng cho hay, Cần Thơ đã có kế hoạch để ứng phó.

Theo đó, với lốc xoáy, mỗi khi xuất hiện áp thấp nhiệt đới hoặc bão có thể ảnh hưởng đến Cần Thơ, thành phố luôn thông báo với các quận, huyện để có giải pháp ứng phó cụ thể, nhờ đó giảm được thiệt hại nếu có lốc xoáy xảy ra.

Đối với sạt lở, thành phố cũng đã xác định được những điểm có nguy cơ cao để chủ động di dời tài sản và người dân đến nơi an toàn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng cho biết, địa phương sẽ có các giải pháp và tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo tập trung cho công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, những kiến nghị của Cần Thơ sẽ được đoàn công tác ghi nhận và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Ông Phạm Mạnh Hùng lưu ý, Cần Thơ trước hết cần tự nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho địa phương, vì hiện nay nguồn ngân sách Trung ương đang rất khó khăn.

Do vậy, Cần Thơ có thể ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư để hỗ trợ cơ quan làm công tác tham mưu phòng chống thiên tai.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” trong phòng chống thiên tai; tăng cường công tác tự kiểm tra về phương tiện, phương án, nguồn lực tại chỗ… để kịp thời khắc phục, ngăn ngừa các nguy cơ, hậu quả nếu thiên tai xảy ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục