Cần Thơ tiếp tục thiệt hại do sạt lở bờ sông

17:33' - 31/07/2024
BNEWS So với năm 2023, tình hình sạt lở đã giảm về số vụ, chiều dài sạt lở và thiệt hại. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại vẫn rất đáng lo ngại và cần có những biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, 7 tháng đầu năm 2024, tại thành phố xảy ra 24 vụ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài bị ảnh hưởng 830m, gây thiệt hại hơn 14,5 tỷ đồng và làm 13 căn nhà bị sạt hoàn toàn, 1 nhà kho bị sụt lún, 34 căn nhà bị sạt một phần hoặc bị ảnh hưởng; may mắn không có thiệt hại về người trong các vụ sạt lở này. Các địa phương xảy ra sạt lở nhiều là tại các quận, huyện Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Cờ Đỏ và Cái Răng.

 

So với cùng kỳ năm 2023, tình hình sạt lở trên địa bàn thành phố đã giảm về số vụ, chiều dài sạt lở và thiệt hại. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại vẫn rất đáng lo ngại và cần có những biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Ông Huỳnh Thanh Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, cơ quan chức năng đã tăng cường dự báo, cảnh báo sớm, chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo từ các cơ quan chuyên môn như: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam và Đài Khí tượng thủy văn Cần Thơ để kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó.

Ban Chỉ huy thường xuyên phối hợp với các quận, huyện tổ chức các đoàn khảo sát thực địa, kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao để chủ động phòng, chống; đồng thời tham mưu cho UBND thành phố ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp tại các vị trí sạt lở nguy hiểm trên các tuyến sông Trà Nóc (quận Bình Thủy), sông Ô Môn (quận Ô Môn), sông Cái Sắn (huyện Vĩnh Thạnh)… Địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng bằng việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, với tiêu chí giúp người dân hiểu rõ về nguy cơ sạt lở và biết cách ứng phó hiệu quả.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Quỹ Phòng, chống thiên tai thành phố đã chi hơn 700 triệu đồng để hỗ trợ và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố. Thành phố đang tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình phòng, chống sạt lở; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Theo ông Huỳnh Thanh Việt, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đang tích cực phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương để rà soát, cập nhật phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với sạt lở và mọi tình huống có thể xảy ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục