Cẩn trọng khi đưa cây, con mới lạ vào nuôi trồng

14:55' - 24/05/2018
BNEWS Nhiều hộ nông dân đã phải “ngậm đắng, nuốt cay” khi vội vàng đưa các loại cây, con mới lạ vào sản xuất và nuôi trồng, nhưng sản phẩm làm ra khó bán hoặc không thể tiêu thụ được.

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phải “ngậm đắng, nuốt cay” khi vội vàng đưa các loại cây, con mới lạ vào sản xuất và nuôi trồng, nhưng sản phẩm làm ra khó bán hoặc không thể tiêu thụ được.

Điển hình cho sự thất bại này phải kể đến cây đinh lăng cao sản và con dế.

Gia đình anh Đỗ Duy Tĩnh, ở thôn Anh Dũng, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô trồng gần 2 sào đinh lăng cao sản. Anh cho biết, năm 2015 khi cây đinh lăng cao sản được giá cũng là lúc vườn cây đinh lăng cao sản của gia đình cho thu hoạch với giá trên 30.000 đồng/kg tươi, bao gồm dễ cây, gốc và thân cây.

Với giá thành này, gia đình anh thu về hơn 40 triệu đồng… Thấy hiệu quả kinh tế ban đầu của loại cây này, gia đình tiếp tục trồng để bán.

Tuy nhiên, năm nay khi cây đến kỳ thu hoạch không có tiểu thương nào đến thu mua, anh buộc phải phá bỏ vườn đinh lăng cao sản để trồng cây khác.

Anh Đỗ Duy Hải, cùng ở thôn Anh Dũng, xã Bạch Lưu cho biết, hiện gia đình có khoảng 3 sào đinh lăng đến kỳ thu hoạch, nhưng vài tháng nay không có người mua.

Hiện nay, anh đã phá bỏ một phần vườn đinh lăng cao sản để trồng cây lấy gỗ và thời gian tới sẽ phá bỏ toàn bộ vườn cây dược liệu này.

Thôn Hồng Sinh, xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô có 128 hộ gia đình thì có tới 100 hộ trồng đinh lăng cao sản, hộ trồng nhiều từ 2 đến 3 sào, hộ trồng ít cũng vài trăm m2.

Đến nay, phần lớn số hộ trong thôn có cây đã đến kỳ thu hoạch, nhưng cũng không ai hỏi mua. Hàng trăm hộ dân ở các xã khác của huyện Sông Lô cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Bên cạnh cây đinh lăng thất bại thì con dế cũng được coi là sản phẩm mới lạ cùng cảnh ngộ. Nhớ lại cách đây 6 đến 7 năm về trước, nghề nuôi dế giống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được coi là nghề "hốt bạc".

Người nuôi dế sinh sản để bán giống đã thu lãi hàng chục lần so với các khoản chi phí đầu tư để nuôi dưỡng, nhân giống; dế thương phẩm (dế thịt) giá cùng thời điểm từ 300.000 - 400.000 đồng/kg; trong khi đó, giá thành sản xuất dế thịt chỉ ở mức trên dưới 130.000 đồng/kg.

Từ vài hộ gia đình nhân giống và bán dế giống có lãi lớn ở các huyện Tam Đảo, Vĩnh Tường..., câu chuyện nuôi dế đã lan rộng đến nhiều người dân trong và ngoài tỉnh.

Ở nhiều miền quê người ta đã phao tin, đồn thổi quá sự thật, cho rằng dế giống dễ bán, sản xuất ra bao nhiêu cũng không đủ vì nhu cầu rất cao.

Với dế thịt, thị trường nước ngoài cũng ưa chuộng sẽ đặt mua sản phẩm số lượng lớn… Từng đoàn người ở một số tỉnh, thành phố về Vĩnh Phúc "tranh giành" nhau mua mà nguồn cung không đủ.

Chí vì lẽ đó, chỉ sau thời gian ngắn Vĩnh Phúc có tới cả trăm hộ nuôi dế. Thời điểm năm 2009 và 2010, Ban quản lý đề án nâng cao kiến thức cho nông dân (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân và năm 2010 Hiệp hội nuôi dế Vĩnh Phúc được thành lập với 80 hội viên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc nuôi dế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ thành công với một số hộ nhân giống và bán giống trong khoảng thời gian ngắn.

Khi nguồn giống đã bão hòa thì cả dế thịt và dế giống đều rớt giá thê thảm. Riêng mặt hàng dế thịt rất khó tiêu thụ và trái ngược hoàn toàn với những đồn thổi ban đầu.

Những năm 2011, 2012, phong trào nuôi dế ở Vĩnh Phúc chính thức “lao dốc” do đầu ra sản phẩm khó khăn và chỉ trong thời gian ngắn các hộ nuôi dế phải chuyển tìm kiếm nghề khác.

Ông Nguyễn Văn Đang, Chủ tịch UBND xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô cho biết, việc trồng cây đinh lăng cao sản ở Bạch Lưu cũng như các xã lân cận là phong trào tự phát.

Hiện chính quyền xã đang phối hợp với ngành chức năng của huyện nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những khuyến cáo, giải pháp tháo gỡ khó khăn…

Đại diện chính quyền các xã Phương Khoan, Nhân Đạo chia sẻ, chúng tôi không chủ trương khuyến khích người dân trồng đinh lăng, kể cả thời điểm đinh lăng được giá.

Bởi trên thực tế ở Vĩnh Phúc chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ra thu mua, cam kết bao tiêu sản phẩm số lượng lớn và ổn định.

Thương lái thu mua cây dược liệu này những năm trước đây chủ yếu phục vụ cho các hiệu thuốc, cơ sở chế biến nhỏ lẻ…

Từ bài học trồng đinh lăng cao sản và nuôi dế ở Vĩnh Phúc, đòi hỏi ngành chức năng của tỉnh làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, nhất là cảnh báo người dân trước sự đồn thổi về sản phẩm cây trồng, vật nuôi mới để tránh xảy ra những hệ lụy không đáng có.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục