Cần ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long

11:58' - 10/11/2020
BNEWS Phát triển hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long chính là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn ngày 10/11.

Chiếm khoảng 13% diện tích cả nước nhưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là nơi có hạ tầng giao thông phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa khơi dậy được động lực để tạo đột phá về kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đây cũng chính là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thắn trao đổi với các đại biểu trong phiên chất vấn ngày 10/11. Phóng viên TTXVN cũng ghi nhận ý kiến của các đại biểu liên quan đến vấn đề này. 

Đại biểu Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Đoàn Sóc Trăng): Cải thiện hạ tầng toàn vùng bằng các trục giao thông mới

Hết năm 2025 có khoảng 300 km đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long, đây là con số được tính toán có cơ sở. Hiện, chúng ta đã có 40 km đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, cuối năm sẽ thông xe đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km và theo kế hoạch của nhà đầu tư, đến năm 2021 thông đường toàn bộ, đưa vào sử dụng và có 7 km kết nối với cầu Mỹ Thuận 2. 

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai toàn bộ gói thầu. Dự kiến, năm 2023, sẽ xong cầu Mỹ Thuận 2 và 23 km từ cầu Mỹ Thuận đến Cần Thơ thì trong tháng 12 này sẽ khởi công cả 3 gói thầu và bố trí đủ nguồn vốn…

Tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đoạn Cao Lãnh đến Vàm Cống, Rành Sỏi cộng lại có khoảng 210 km sẽ được công bố đường cao tốc. Toàn bộ đoạn này đầy đủ cơ sở về vốn nên trong nhiệm kỳ tới tin chắc sẽ xong. 

Phần còn lại, Chính phủ đặt mục tiêu, Quốc hội cũng đã thảo luận, chúng ta sẽ thông tuyến cao tốc Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025. Như vậy, đoạn từ Cần Thơ và Cà Mau đã được nghiên cứu dài 170 km. Đây là dự án được ưu tiên trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Đoạn cầu An Lãnh qua An Hữu khoảng 30 km thì từ Tp. Hồ Chí Minh đi Kiên Giang sẽ có đường cao tốc, nếu dự kiến 2025 có thể có khoảng 400 km. Dự phòng rủi ro thì năm 2025 có khoảng 300 km đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Về hạ tầng giao thông yếu, đứt gãy tại Đồng bằng sông Cửu Long như các đại biểu phản ánh, ngoài tuyến cao tốc còn tập trung 4 trục dọc quan trọng: Tp Hồ Chí Minh kết nối Đồng Tháp Mười qua Kiên Giang; Quốc lộ 1 được nâng cấp bảo đảm yêu cầu, tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh về Cà Mau; Quốc lộ 60 dự kiến khởi công cầu Rạch Nhiễu 2; cầu Đại Nải đang được thu xếp vốn của JICA. Bốn trục dọc quan trọng này sẽ được ưu tiên vốn để đầu tư trong giai đoạn sắp tới. 

Riêng trục ngang, Bộ Giao thông Vận tải cũng tham mưu Chính phủ về 4 dự án:  Quốc lộ 62 kết nối cửa khẩu Bình Hiệp, cao tốc Hồng Ngự xuống Trà Vinh trong có cửa khẩu quốc tế Dinh Bà; song song Quốc lộ 91 làm cao tốc Châu Đốc xuống Cần Thơ xuống Sóc Trăng; cao tốc nối Kiên Giang với Bạc Liêu và sắp tới nghiên cứu đoạn Rạch Giá xuống Xà Xía. 

Với 4 trục dọc và 4 trục ngang chính cùng hệ thống cao tốc, chúng tôi hy vọng, hệ thống giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được cải thiện.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau): Hạ tầng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long bộ lộ nhiều yếu kém

Qua các đợt mưa lớn, nước biển dâng vừa qua đã bộ lộ sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long; trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông. Nếu miền Trung lũ dâng cao là do hiện tượng mưa lớn, mưa dày thì đồng bằng sông Cửu Long ngập lụt là do nước biển dâng. 

Từ trước và trong kỳ họp, không khó khăn để nhận thấy từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau có nhiều đoạn đường ngập sâu hàng mét nước, chứng kiến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phương tiện chết máy lần dò trên đường mưu sinh. Với cao độ thấp, ít đường kết nối nên không có sự lựa chọn nào khác buộc người dân vẫn phải đi trên những đoạn đường này mặc dù biết là ngập nước và nguy hiểm. 

Thời gian tới, cần nâng cao độ các công trình giao thông hoặc xây dựng đường giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo hướng cầu cạn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng đó, đầu tư nhiều đường kết nối giữa các đô thị với nhau và trong nội đô các đô thị.

Cần nhanh chóng hoàn thành đưa vào vận hành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường quốc lộ 63 đoạn qua nội ô thành phố Cà Mau; đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021-2025 cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau; đầu tư Cảng nước sâu Hòn Khoai thuộc tỉnh Cà Mau.

Trong Báo cáo của Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm tới có nêu nhiệm vụ và giải pháp về tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm; trong đó nhấn mạnh việc các đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường sắt đô thị, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau. 

Tôi tán thành với các định hướng quan trọng này nhưng cần bổ sung và cụ thể lộ trình ưu tiên.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Đoàn Cần Thơ): Cần tính bài toán hạ tầng giao thông cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trong hơn 10 năm qua, sự phát triển hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là đường cao tốc chậm và quá khiêm tốn. Đến nay, chỉ có 41 km cao tốc Trung Lương - Thành phố Hồ Chí Minh và đang làm thêm 52 km Trung Lương - Mỹ Thuận, khởi công 23km Mỹ Thuận - Cần Thơ. Như vậy, khi hoàn thành chỉ có 115 km cao tốc, quá ít so với một vùng chiếm 13% diện tích cả nước. Bài toán hạ tầng giao thông cho vùng này chưa thật sự phù hợp. 

Tôi kiến nghị Chính phủ tính toán trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới phải bố trí nguồn lực vốn phù hợp, hợp lý cho phát triển giao thông đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ cần lượng hóa việc đầu tư đường cao tốc cho đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, cần xác định đến năm 2025 đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bao nhiêu km đường cao tốc và phân bổ nguồn đầu tư cụ thể để thực hiện. Có như thế mới hy vọng thay đổi được hạ tầng giao thông của vùng này.

Đại biểu Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Đoàn Quảng Trị): Thu hút đầu tư xã hội cho dự án hạ tầng phía Nam khó hơn

Về các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư sẽ chọn dự án đầu tư theo giai đoạn nào, quy hoạch nào còn Bộ Kế hoạch Đầu tư dựa trên cơ sở đó để phân bổ nguồn lực. 

Tuy nhiên, việc các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là các công trình cao tốc tập trung ở miền Bắc nhiều hơn khu vực phía Nam liên quan đến nhiều nội dung như: quy hoạch, nguồn lực, giải phóng mặt bằng… 

Phía Bắc khoảng cách địa lý xa, nhu cầu làm đường cao tốc nhiều hơn, chi phí giải phóng mặt bằng hay thu hút đầu tư xã hội từ BOT dễ hơn. Trong phía Nam thì ngược lại. Do khoảng cách gần hơn nên chúng ra sử dụng quốc lộ, tỉnh lộ, kênh rạch, cũng như thu hút đầu tư khó hơn, chi phí cao hơn. Thực tế này có thể dẫn đến đầu tư trong thời gian qua chưa được tập trung trong giai đoạn vừa qua. 

Trong giai đoạn sắp tới, mục tiêu thực hiện đầu tư trong năm 2021-2025 rất cao; trong đó có tuyến cao tốc hoàn thành đến năm 2025 từ Tp. Hồ Chí Minh đến Cà Mau, hiện này làm đến Trung Lương - Mỹ Thuận, chuẩn bị khởi công Mỹ Thuận - Cần Thơ và sắp tới hoàn thành hồ sơ, thủ tục đoạn Cà Mau - Bạc Liêu và Bạc Liêu - Cần Thơ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục