Căng thẳng Nga-Ukraine: Những diễn biến mới trên thực địa và các diễn đàn ngoại giao

15:32' - 27/02/2022
BNEWS Giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine đã bước sang ngày thứ 4 kể từ sau khi Nga tuyên bố phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine. Hiện chưa có dấu hiệu chiến sự sẽ giảm nhiệt.

Chiến sự trên thực địa

Ngày 24/2, hai ngày sau khi tuyên bố công nhận chủ quyền của hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk.

Trong một phát biểu, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm đáp lời kêu gọi của lãnh đạo 2 vùng ly khai ở Đông Ukraine mà Nga đã công nhận độc lập. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định Nga không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine.

Trên thực tế, chiến dịch quân sự của Nga không chỉ giới hạn ở khu vực miền Đông Ukraine mà đã lan ra toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Trong ngày đầu tiên sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã vô hiệu hóa được các phương tiện phòng không, các cơ sở hạ tầng quân sự của căn cứ không quân của Ukraine, và lực lượng biên phòng Ukraine không kháng cự được quân đội Nga.

Theo đó, các binh lính của lực lượng biên phòng Ukraine không có bất cứ kháng cự nào đối với các đơn vị của Nga. Bộ này khẳng định không gây đe doạ đối với dân thường.

Trong khi đó, Lực lượng khẩn cấp Ukraine đã xác nhận các vụ nã pháo nhằm vào khu vực miền Tây Ukraine và cho biết các lực lượng trên bộ của Nga đã tiến vào biên giới Ukraine.

Uỷ ban tình trạng khẩn cấp quốc gia Ukraine cũng đã thông báo về vụ nổ tháp truyền hình ở Lutsk và cháy nhà kho quân sự ở một số khu vực. Uỷ ban tình trạng khẩn cấp cũng thông báo về các vụ pháo kích vào sân bay ở Lutsk và Khmelnitsky…

Các vụ nổ vào rạng sáng ngày 25/2 ở Kiev đã tiếp tục cho ngày xung đột thứ hai sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại miền Đông Ukraine. Giao tranh đã nổ ra giữa giữa binh sĩ Ukraine và Nga trên các đường phố ở thủ đô Kiev.

Quân đội Nga đã phong tỏa ngả đường phía Tây vào Kiev. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng nước này đã kiểm soát sân bay chiến lược Hostomel ở ngoại ô thủ đô Kiev của Ukraine và cho lính dù đổ bộ vào khu vực này.

Ngày 26/2, giao tranh tiếp diễn ở thủ đô Ukraine với nhiều vụ nổ và tiếng súng được ghi nhận tại nhiều khu vực trong thành phố.

Sau 3 ngày giao tranh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 26/2 thông báo các lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy 821 mục tiêu hạ tầng quân sự ở Ukraine.

Trong số các mục tiêu bị phá hủy có 14 sân bay quân sự, 19 điểm kiểm soát và trung tâm thông tin liên lạc, 24 hệ thống tên lửa phòng không S-300 và Osa, 48 trạm radar.

Ngoài ra, 7 trực thăng và 9 máy bay không người lái đã bị bắn hạ; 87 xe tăng và thiết bị bọc thép, 28 hệ thống phóng tên lửa đa nòng và 118 phương tiện quân sự đặc biệt đã bị phá hủy. Nga khẳng định chỉ nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng quân sự, không tấn công cơ sở hạ tầng dân cư.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố thủ đô Kiev và các thành phố chính vẫn trong quyền kiểm soát của Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.

Căng thẳng trên các diễn đàn ngoại giao

Trước các động thái triển khai quân sự của Nga ở Ukraine, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã liên tục tiến hành các cuộc họp khẩn kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang quân sự.

Trong một diễn biến mới, Mỹ đã đề xuất một nghị quyết lên Hội đồng Bảo an về chiến dịch của Moskva tại Ukraine, song dự thảo nghị quyết này đã bị Nga phủ quyết ngày 25/2.

Tại cuộc bỏ phiếu, Trung Quốc, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bỏ phiếu trắng, trong khi 11 thành viên còn lại bỏ phiếu ủng hộ.

Trong bối cảnh đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến triệu tập một cuộc họp vào chiều ngày 27/2 (giờ địa phương) theo yêu cầu của Mỹ và Albania, để biểu quyết về một nghị quyết kêu gọi tiến hành phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo quy định, nghị quyết sẽ chỉ cần nhận được sự ủng hộ của 9 trong tổng số 15 nước Ủy viên HĐBA để được thông qua và không quốc gia Ủy viên thường trực nào được phép phủ quyết việc triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng. Nếu nghị quyết đề xuất được HĐBA thông qua, theo quy định, phiên họp Đại hội đồng LHQ sẽ phải được tổ chức trong vòng 24 giờ.

Trong một nỗ lực khác, Chính phủ Hungary ngày 25/2 đã đề xuất trở thành quốc gia trung gian trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine liên quan tình hình căng thẳng hiện nay. Hungary là nước thành viên của cả Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quốc gia này cũng có mối quan hệ song phương tốt đẹp với chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước đó, Điện Kremlin ngày 24/2 cho biết Tổng thống Putin đã sẵn sàng cử một phái đoàn của Nga tới Belarus để đàm phán với Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ Moskva "không có ý định chiếm đóng Ukraine", đồng thời khẳng định luôn sẵn sàng đối thoại với điều kiện lực lượng vũ trang của Ukraine "giải giáp vũ khí". Nhưng, Mỹ đã ngay lập tức bác bỏ đề nghị này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu quan điểm của Washington rằng những đề xuất đàm phán trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra không phải là "con đường ngoại giao thực sự ”.

Bên cạnh đó, hiện Mỹ và nhiều nước đều đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với hành động của Nga những ngày qua.

Mới nhất là việc Mỹ ngày 25/2 tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Nga Lavrov, liên quan tình hình căng thẳng hiện nay tại Ukraine. Theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki, lệnh cấm đi lại sẽ một phần trong các biện pháp trừng phạt này.

Trước đó, EU, Anh và Canada cũng thông báo về các lệnh trừng phạt tương tự nhằm vào Nga. Riêng EU đã áp đặt hai gói trừng phạt đối với Nga chỉ trong một tuần qua.

Các lệnh trừng phạt trên tác động đến lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải của Nga, đồng thời hạn chế khả năng công dân Nga lưu trữ lượng lớn tiền mặt trong các ngân hàng tại EU. Lệnh trừng phạt cũng nối dài danh sách các công dân Nga bị cấm nhập cảnh và bị phong tỏa tài sản ở EU.

Ngoài ra, Hội đồng châu Âu ngày 25/2 còn thông báo tạm đình chỉ mọi sự tham gia của Nga tại cơ quan này liên quan chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine.

Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ theo điều 8 Quy chế của cơ quan này, đa số đại diện thường trực của 47 quốc gia thành viên đã "nhất trí đình chỉ quyền đóng góp đại diện của Liên bang Nga tại Hội đồng châu Âu".

Quyết định trên có hiệu lực ngay lập tức, trong đó bao gồm cả quyền góp mặt của Nga tại Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE). Tuy nhiên, sự hiện diện của Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR)-cũng là một thực thể thuộc Hội đồng châu Âu-vẫn được bảo toàn. Theo đó, thẩm phán Nga vẫn là thành viên của ECHR và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ tiếp tục được tòa án này xem xét và quyết định.

Trong một diễn biến mới, người phát ngôn chính phủ Đức ngày 26/2 cho biết nước này và các đồng minh phương Tây đã nhất trí đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, trong gói các biện pháp trừng phạt thứ ba nhằm vào Moskva liên quan đến chiến dịch quân sự hiện nay ở Ukraine. Theo đó, biện pháp trừng phạt mới, với sự nhất trí của Mỹ, Pháp,. Canada, Italy, Anh và Ủy ban châu Âu, cũng bao gồm việc hạn chế khả năng hỗ trợ đồng rouble của ngân hàng trung ương Nga.

Bên cạnh đó, những cá nhân và thể chế tại Nga và các nước khác ủng hộ Moskva trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine cũng sẽ bị nhắm mục tiêu.

Người phát ngôn chính phủ Đức khẳng định, các nước phương Tây đã nhấn mạnh sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không dừng hành động quân sự ở Ukraine để từ đó vãn hồi trật tự hòa bình châu Âu.

Đáp lại những diễn biến trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các lệnh trừng phạt trên "là minh chứng về sự bất lực hoàn toàn trong chính sách đối ngoại" của phương Tây, đồng thời cảnh báo rằng sự việc "đã gần tới mức không thể quay lại như lúc đầu".

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 26/2 còn cho biết Nga sẽ đáp trả việc các nước phương Tây phong tỏa tiền của công dân và các công ty Nga, theo đó sẽ phong tỏa tiền của người nước ngoài và các công ty nước ngoài tại Nga.

Ông Medvedev cho biết thêm rằng Moskva không loại trừ khả năng quốc hữu hóa tài sản của các công ty đăng ký kinh doanh tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và "các thể chế không thân thiện" khác…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục