Cảnh báo nguy cơ thiên tai khốc liệt tại Australia

07:23' - 04/11/2020
BNEWS Một Ủy ban Hoàng gia điều tra vụ cháy rừng lịch sử mới đây tại Australia cảnh báo con số thiệt hại vì thảm họa thiên nhiên mà Australia phải gánh chịu sẽ lên đến 27 tỷ USD/năm vào năm 2050.

Một Ủy ban Hoàng gia điều tra vụ cháy rừng lịch sử mới đây tại Australia cảnh báo nước này cần chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc khủng hoảng xảy đến đồng thời, khi phải đối mặt với những trận thiên tai thường xuyên hơn, gây thiệt hại lớn hơn và tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Sau một loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng năm 2019 - 2020, khiến 33 người thiệt mạng và thiêu rụi một khu vực có diện tích tương đương Vương quốc Anh, ủy ban trên cảnh báo: "Điều chưa từng xảy ra trong quá khứ giờ đây sẽ là tương lai của chúng ta", một tương lai trong đó các trận thiên tai "sẽ xảy ra thường xuyên hơn, liên tiếp, đồng thời, nguy hiểm và nghiêm trọng hơn".

Theo báo cáo của ủy ban trên, các hiện tượng khí hậu cực đoan xảy ra liên tiếp trong 12 tháng qua, như hạn hán, nắng nóng, cháy rừng và bão, lũ lụt và đại dịch.

Vào thời điểm các vụ cháy rừng kết thúc hồi tháng 3, đã có gần 3 tỷ cá thể động vật bị chết hoặc phải di dời sang nơi khác, gây thiệt hại kinh tế khoảng 7 tỷ USD. 

Tuy nhiên, ủy ban cảnh báo con số thiệt hại vì thảm họa thiên nhiên mà Australia phải gánh chịu sẽ lên đến 27 tỷ USD/năm vào năm 2050, thậm chí có thể sớm hơn nếu tính cả tình trạng ấm lên toàn cầu.

Báo cáo cũng đưa ra 80 đề xuất để cải thiện tình hình, như cần có hệ thống dữ liệu thiên tai hoàn chỉnh hơn và dự báo thời tiết chi tiết hơn.

Tương tự như vậy, các nhà khoa học của Đại học Queensland cũng đưa ra cảnh sẽ có thêm nhiều đợt hạn hán trên diện rộng, có thể kéo dài đến 2 thập kỷ hoặc lâu hơn, trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu đang ấm dần.

Nghiên cứu trên sử dụng hồ sơ địa chất  Kỷ Eemian, cách nay khoảng 129.000 - 116.000 năm, để tạo ra một mô hình về những gì sẽ xảy ra trong 20-50 năm tới.

Theo Giáo sư Hamish McGowan, Kỷ Eemian là kỷ nguyên gần đây nhất trong lịch sử Trái Đất có nhiệt độ toàn cầu tương tự, hoặc có thể ấm hơn chút ít so với hiện tại.

Bằng cách phân tích khí hậu trong thời kỳ này, thông qua một quá trình được gọi là "cổ khí hậu học", nhóm nghiên cứu xác định thế giới có thể sẽ gặp phải tình trạng ngày càng khan hiếm nước, độ tuyết phủ trong mùa Đông giảm, cháy rừng và xói mòn đất sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Trong lịch sử, các trận hạn hán lớn liên quan đến các cuộc di cư ồ ạt của người dân khỏi các khu vực bị ảnh hưởng và được cho là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của một số nền văn minh tiền công nghiệp lớn trên khắp châu Mỹ và Đông Nam Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục