Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại: Giữ lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu

21:07' - 06/11/2023
BNEWS Các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam có xu hướng gia tăng, nhất là thị trường Hoa Kỳ.

Cùng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh đồng nghĩa bị đối diện trước các vụ kiện phòng vệ thương mại. Đặc biệt, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam có xu hướng gia tăng, nhất là thị trường Hoa Kỳ.

 

Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316).

Qua đó, Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu được nguyên tắc, quy trình điều tra; công việc doanh nghiệp cần thực hiện; kịch bản có thể xảy ra.

Tại buổi tọa đàm Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại: Giữ lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 6/11, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực và lớn nhất của Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 73 tỷ USD và thặng dư thương mại khoảng 66 tỷ USD, đưa Việt Nam lên thứ ba về thặng dư thương mại với Hoa Kỳ chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới và chiếm hơn 30% kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN. Điều này thể hiện Việt Nam luôn là đối tác quan trọng, bền vững của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đi kèm theo đó cũng có những rủi ro về phòng vệ thương mại.

Theo thống kê, tỷ lệ vụ việc phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ áp dụng với Việt Nam chiếm khoảng 53% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, nguy cơ phòng vệ thương mại cũng ngày càng lớn hơn.

Thêm vào đó, doanh nghiệp nội địa của Hoa Kỳ ý thức rất rõ về quyền lợi cũng như các công cụ khi hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh khốc liệt, gây ra tổn hại, tổn thương đối với ngành sản xuất trong nước. Họ cũng biết cách sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích nếu bị kiện ở Hoa Kỳ nên các vụ việc ngày càng tăng.

Thực tế, ngoài Bộ Thương mại Hoa Kỳ, các cơ quan khác như Ủy ban Thương mại Quốc tế, cơ quan hải quan hay biên phòng Hoa Kỳ đều có thể điều tra vụ việc phòng về thương mại.

Tính đến tháng 10/2023, vụ việc phòng vệ thương mại của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là chiếm đến 58 vụ việc, các mặt hàng cũng ngày càng mở rộng, đa dạng và không phải ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Qua theo dõi thị trường có thể nhận thấy doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã ngày càng quan tâm hơn đến các vụ việc phòng vệ thương mại cũng như hệ thống tình báo sớm, đã tham gia rất đầy đủ cũng như theo dõi chặt chẽ cảnh báo của Cục Phòng vệ thương mại.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, hệ thống cảnh báo sớm rất quan trọng bởi hệ thống này tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tìm hiểu về quy định pháp luật của Hoa Kỳ về phòng vệ thương mại sớm. Bên cạnh đó, cung cấp thêm thời gian để doanh nghiệp có thể chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để ứng phó vụ kiện khi xảy ra.

Trên thực tế, khi bị kiện, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đầu tư rất nhiều công sức và nguồn lực con người, thời gian và cả tài chính để tham gia trong suốt quá trình điều tra vụ việc - thông thường là khoảng 12 tháng.

Hơn nữa, nhờ đó doanh nghiệp để có thể cung cấp, sắp xếp hồ sơ, giấy tờ, sổ sách và tài liệu, nhất là kế toán, giấy tờ xuất nhập khẩu để có thể kịp thời cung cấp tài liệu kiểm chứng cho cơ quan chức năng của Hoa Kỳ nếu bị kiện. Việc này sẽ tạo lợi thế chủ động cho doanh nghiệp ứng phó, khi thời gian mà cơ quan Hoa Kỳ yêu cầu cung cấp thông tin thường có thời hạn nhất định và các tài liệu cũng phải được gửi theo đúng định dạng, thông tin hay một số yếu tố cụ thể khác phải được đáp ứng.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho hay, thời gian gần đây, ngành nhôm Việt Nam phải đối diện với một số vụ việc về phòng vệ thương mại; trong đó, nổi bật là áp chống bán phá giá với sản phẩm nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc (mã vụ việc AD05) và vụ thứ hai là các doanh nghiệp Hoa Kỳ khởi kiện sản phẩm nhôm đùn ép và sau đồn ép có xuất xứ từ Việt Nam. Cả hai vụ việc này đều rất quan trọng với doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam.

Theo ông Vũ Văn Phụ, nhôm là mặt hàng đa dạng, phong phú và được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp và dân dụng. Vì vậy thị trường của sản phẩm nhôm rất rộng, đa dạng. Doanh nghiệp Việt Nam lại rất linh động và nhanh chóng ứng dụng khoa học, công nghệ và nhất là lao động kỹ thuật trong các doanh nghiệp Việt Nam có tay nghề tương đối cao.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn như cơ chế chính sách, đến thời điểm hiện tại chưa có một chính sách nào khuyến khích cho chương trình xuất khẩu của ngành nhôm và thậm chí hiện tại sản phẩm nhôm thanh định hình khi xuất khẩu đi đều chịu mức thuế tối thiểu là 5%. Chính vì vậy việc cạnh tranh của doanh nghiệp ngành nhôm cũng giảm đi đáng kể trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, thị trường EU và Hoa Kỳ liên tục áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, mới đây nhất là Hoa Kỳ chính thức khởi kiện nhôm của Việt Nam và mức thuế họ đề xuất là 53,7%, điều này sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp ngành nhôm trong việc giữ thị trường, hay chuyển sang thị trường khác cũng là việc khá khó khăn.

Bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có thể thấy, không chỉ ở Hoa Kỳ mà ở tất cả các nước kiện phòng vệ thương mại là một quy trình pháp lý, đấu tranh về mặt kỹ thuật rất phức tạp.

Trung tâm đã làm việc với doanh nghiệp và đều cho rằng đấy là một quá trình khó khăn về rất nhiều yếu tố, cả về mặt chi phí, nhân lực, thời gian. Tất cả những việc đó được thực hiện ở nước ngoài, trong khi còn bỡ ngỡ rất nhiều, càng làm cho những công việc này khó khăn hơn. Qua theo dõi, phần lớn trường hợp kháng kiện chưa hiệu quả xuất phát do bị động, thời gian chuẩn bị quá ít và bị bất ngờ trong việc ứng phó với những vụ kiện.

Cơ chế cảnh báo sớm cho phép nhìn thấy nguy cơ từ xa để chuẩn bị từ sớm và rõ ràng là nó đã giúp chúng ta giải quyết được một vấn đề mà phần lớn doanh nghiệp gặp phải là không có đủ thời gian. Chính vì thế, cơ chế cảnh báo sớm này rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp cũng như hiệp hội trong ứng phó hiệu quả với biện pháp phòng vệ thương mại.

Đối với một số thị trường, Việt Nam hiện nay vẫn đang phải chịu cơ chế “nền kinh tế phi thị trường” trong cuộc điều tra về phòng vệ thương mại nên ngoài những khó khăn chung giống như tất cả nhà xuất khẩu ở thị trường, Việt Nam còn khó khăn trong ứng phó và tính toán nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật, mà việc đó càng cần nhiều thời gian hơn nữa. Vậy nên, ở trong góc độ này, cơ chế cảnh báo sớm lại càng có ý nghĩa.

Để nâng cao hiệu quả của cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tốt hơn trong việc ứng phó biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài, ông Chu Thắng Trung- Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ đã, đang và sẽ tiếp tục làm là trang bị, nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp. Đặc biệt, trên cơ sở thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm, Bộ Công Thương sẽ làm việc này một cách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những ngành hàng, những lĩnh vực nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp xúc trực tiếp với các hiệp hội và phối hợp với các đơn vị của VCCI, địa phương tổ chức buổi chia sẻ kiến thức, thông tin về phòng vệ thương mại, về hệ thống cảnh báo sớm để nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Theo ông Chu Thắng Trung, Bộ Công Thương đã có kế hoạch để tiếp tục mở rộng hơn nữa, có thể cảnh báo bằng những thông tin cập nhật nhất ở các thị trường khác, ngoài những thị trường đã cảnh báo như là Hoa Kỳ, Canada hoặc Australia sang cả những thị trường ở Đông Nam Á, Thổ Nhĩ Kỳ…

Đặc biệt, Bộ tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp, hiệp hội nhằm tư vấn kỹ hơn, giải thích kỹ hơn về những bước để đáp ứng đúng quy trình, thủ tục điều tra của phía nước nhập khẩu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục