Cảnh báo thuế quan của Mỹ: Cơ hội đa dạng hóa thị trường cho Canada

06:30' - 20/12/2024
BNEWS Trang mạng theconversation.com vừa có bài viết cho rằng cảnh báo về thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy Canada đa dạng hóa thị trường ngoài nước Mỹ.

Ông Trump đã công bố mức thuế 25% đối với hàng hóa của Canada và Mexico, nếu hai nước này không kiểm soát được nạn buôn bán ma túy và di cư bất hợp pháp vào Mỹ. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, thay thế bằng Hiệp định Canada-Mỹ-Mexico vào năm 2020. Thỏa thuận cập nhật này đưa ra những điều khoản và điều kiện mới chi phối hoạt động thương mại giữa ba quốc gia khu vực Bắc Mỹ này.

Mỹ chắc chắn vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Canada. Cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới chiếm hơn 70% khối lượng hàng xuất khẩu của Canada, lớn hơn 10 đối tác thương mại tiếp theo của nước này cộng lại. Điều này cho thấy sự phụ thuộc rất lớn của Canada vào thương mại với Mỹ và việc dễ bị ảnh hưởng bởi biến động trong quan hệ thương mại song phương đi kèm theo đó.

Canada có thể giảm sự phụ thuộc vào quốc gia láng giềng bằng cách đa dạng hóa các đối tác thương mại. Việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với những nền kinh tế mới nổi và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường thay thế sẽ củng cố vị thế thương lượng của Canada với Mỹ.

 

Những tác động ngắn hạn

Tuy nhiên, Canada khó có thể đa dạng hóa đáng kể các mối quan hệ thương mại trong ngắn hạn. Nước này sẽ phải mất một thời gian để có thể tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế Mỹ khi giữa hai nước đã có những hiệp định thương mại kết nối và cơ sở hạ tầng chung được xây dựng sau nhiều thập kỷ để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại song phương.

Hiện tại, cách tiếp cận thực tế nhất là Canada cần tập trung vào các cuộc đàm phán với Mỹ để tránh hoặc giảm nhẹ bất kỳ mức thuế trừng phạt nào. Việc tăng thuế lên 25% sẽ khiến hàng xuất khẩu của Canada trở nên đắt đỏ đối với người Mỹ và có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Canada cũng như có thể tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp Mỹ.

Có khả năng ông Trump sẽ sử dụng thuế quan như một "con bài mặc cả" để khiến Canada chấp nhận nhiều nhượng bộ hơn. Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Canada và Mỹ cho phép nước này lập luận rằng việc duy trì thương mại song phương mạnh mẽ sẽ có lợi cho cả hai bên.

Những cơ hội ngoài Bắc Mỹ

Con đường dài hạn của Canada hướng tới khả năng phục hồi kinh tế nằm ở việc theo đuổi sự hiện diện mạnh mẽ hơn tại các thị trường toàn cầu khác. Là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Canada có thể mở rộng thương mại với các quốc gia như Australia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Thành công trong việc đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại của Mexico mang đến cho Canada bài học có giá trị. Từ năm 2016 đến năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa Mexico và Trung Quốc đã tăng từ 42,6 tỷ USD lên 100,22 tỷ USD và khối lượng thương mại đã tăng gấp đôi.

Chính phủ Canada có thể thiết lập những thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế khác ngoài Mỹ. Những thỏa thuận như vậy sẽ mang lại cho các nhà xuất khẩu Canada quyền tiếp cận thị trường ở những quốc gia khác, trong khi mở cửa Canada cho hàng nhập khẩu từ những quốc gia đó. Cách tiếp cận này không chỉ đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại mà còn có khả năng giảm lạm phát khi hàng nhập khẩu có giá rẻ hơn.

Canada cũng có thể đi theo con đường của Singapore, quốc gia đã duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với cả Mỹ và Trung Quốc bằng một lập trường trung lập. Khi căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Canada có cơ hội tự định vị mình là một quốc gia có lập trường tương tự như Singapore.

Việc hình thành các mối quan hệ thương mại với các nền kinh tế khác như Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho Canada và tăng trưởng xuất khẩu dài hạn của nước này.

Với GDP hơn 4.000 tỷ USD và dân số 647 triệu người, ASEAN trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Trong khi phần lớn những nước phương Tây đang có xu hướng phi toàn cầu hóa và tách rời về kinh tế, các nền kinh tế mới nổi lại đang ngày càng gắn kết và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Do đó, Canada nên tận dụng cơ hội để tham gia một cách hiệu quả vào những thị trường này.

Canada đang có vị trí thuận lợi

Một số nhà phân tích cho rằng việc mở cửa biên giới Canada cho nhiều hàng hóa hơn có thể khiến các ngành công nghiệp nội địa của nước này mất đi sức cạnh tranh và dẫn đến tình trạng mất việc làm.

Mặc dù những quan điểm này có phần đúng, với các công ty Canada không có lợi thế cạnh tranh có thể bị loại khỏi cuộc chơi, nhưng lợi ích kinh tế tổng thể của việc đa dạng hóa thị trường lớn hơn nhiều so với những hạn chế.

Canada có vị thế thuận lợi để tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế mới nổi như tài nguyên thiên nhiên phong phú, dân số có trình độ học vấn và kỹ năng cao cùng những thể chế tốt.

Mặc dù chưa thể giảm sự phụ thuộc vào thương mại với Mỹ ngay lập tức, Canada cần phải đặt nền tảng cho một nền kinh tế đa dạng và có sức chống chịu kiên cường hơn.

Với việc mở rộng quan hệ thương mại với các thị trường mới nổi, Canada có thể sẽ củng cố được vị thế kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào thương mại với Mỹ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục