Cạnh tranh gay gắt về giá khiến ngành lúa gạo Thái Lan lao đao

06:30' - 09/11/2019
BNEWS Chủ tịch Hiệp hội các công ty xay xát gạo Thái Lan (TRMA) Kriangsak Tapananon khuyến cáo rằng lượng gạo xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này đang giảm sút do cạnh tranh gay gắt về giá.
Công nhân bốc xếp các bao gạo tại một nhà máy ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Kriangsak, giá gạo 5% tấm và gạo nếp đang rất thấp. Gạo thơm Jasmine đang vào vụ sẽ được dành cho xuất khẩu và gạo cũ sẽ được tiêu thụ ở trong nước. Truyền thông sở tại dẫn lời ông Kriangsak nói rằng xuất khẩu gạo Jasmine dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,2 triệu tấn, trong khi tổng lượng gạo xuất khẩu sẽ giảm xuống còn 8 triệu tấn so với mức thông thường hàng năm là 9,5-10 triệu tấn hoặc mức 10-11 triệu tấn của một số năm vừa qua.
Tác động của đồng baht mạnh
Đồng baht mạnh đã giữ cho giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, cao hơn hẳn so với những trung tâm xuất khẩu gạo khác của châu Á. Điều này có thể làm giảm nhu cầu của các khách hàng. Thái Lan đang bị mất thị phần trước đối thủ lớn là Việt Nam do đồng baht tăng giá. Đồng tiền này tăng mạnh nhất trong số các đồng tiền châu Á, lên mức cao nhất trong hơn sáu năm trong tháng Bảy vừa qua.
Trong tháng Chín, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm từ 410 - 422 USD/tấn xuống 400 - 418 USD/tấn, trong khi giá gạo 5% tấm Ấn Độ tăng từ 366 - 374 USD/tấn lên 373 - 379 USD/tấn, còn giá gạo cùng loại của Việt Nam giảm từ 325 - 330 USD/tấn xuống 325 USD/tấn.
Một thương nhân cho biết rất khó để tìm khách hàng mới vì giá cả nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, chủ yếu vì tỷ giá hối đoái và những lo ngại về nguồn cung trong nước trong bối cảnh nước này phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua. Theo thương nhân này, kể từ đầu năm tới nay, Thái Lan vẫn chỉ có những giao dịch quy mô tương đối nhỏ với các khách hàng thường xuyên.
Thỏa thuận mà Thái Lan đã ký với COFCO, tập đoàn mua bán lương thực thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và là thị trường lớn thứ ba của nước này, vào năm 2015 bị đình trệ do nguồn cung gạo của nước này dồi dào. Tính đến cuối năm 2018, Thái Lan đã xuất 700.000 tấn sang Trung Quốc theo thỏa thuận này, nhưng từ đó không có thêm đơn hàng mới.
Ông Kriangsak chỉ ra rằng tỷ lệ gạo Thái Lan trên thị trường toàn cầu hiện thấp do giá gạo của các nước cạnh tranh rẻ hơn. Trong thị trường toàn cầu cạnh tranh cao, các nước cạnh tranh của Thái Lan đã chọn cách mời chào giá rẻ hơn để thu hút khách hàng.
Để giải quyết vấn đề này, Thái Lan có thể cần phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, để thực hiện việc đó, khi nhìn lại xu hướng thị trường, chất lượng và định hướng giá, vấn đề chắc chắn là chi phí sản xuất. Ông Kriangsak cũng cho rằng nên tăng chất lượng gạo trên diện tích đất trồng để đáp ứng nhu cầu, trong khi cần tìm những thị trường mới cho tất cả các loại gạo.
Theo Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse, rất nhiều nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan đã thua lỗ do đồng baht của nước này tăng giá, nhưng vẫn cố gắng "cầm cự" để bảo vệ thị phần.
Sản lượng và xuất khẩu sụt giảm
Các nhà xuất khẩu gạo lo ngại rằng lượng mưa thấp có thể ảnh hưởng đến vụ thu hoạch tới khi Chính phủ kêu gọi người nông dân lùi lịch gieo trồng. Hạn hán đã ảnh hưởng đến hơn chục tỉnh thuộc khu vực trồng lúa chính của Thái Lan ở phía Bắc và Đông Bắc, nơi lượng mưa thấp nhất trong 10 năm. Vụ gieo trồng chính ở Thái Lan bắt đầu vào tháng Năm, thời điểm bắt đầu mùa mưa và thu hoạch vào tháng Tám - tháng Mười.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, quốc gia này trong nửa đầu năm nay đã chứng kiến xuất khẩu gạo sụt giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2019, Thái Lan xuất khẩu 5,9 triệu tấn gạo, cho thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những nước xuất khẩu gạo khác.
Xuất khẩu gạo của nước này trong năm 2019 được dự báo sẽ chỉ đạt khoảng 8-8,1 triệu tấn, giảm 3,5 triệu tấn so với năm 2018 và thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Theo Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse, mức dự báo trên thấp hơn mức chỉ tiêu xuất khẩu 9 triệu tấn gạo đặt ra cho cả năm. 
Thái Lan xuất khẩu tổng cộng 11,09 triệu tấn gạo trong năm 2018, giảm so với mức 11,67 triệu tấn của năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu gạo của nước này năm 2018 tăng 8,3% so với năm 2017, đạt 5,61 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu đạt trung bình 507 USD/tấn trong năm 2018, tăng 14,1% so với năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu năm nay dự kiến đạt khoảng 4,7 tỷ USD.
Thông thường, xuất khẩu gạo của Thái Lan ở mức trung bình 10 triệu tấn/năm, trong đó lượng gạo trắng chiếm 50%. Tuy vậy, lượng gạo trắng xuất khẩu của Thái Lan trong năm nay được dự báo có thể chỉ ở mức 3 triệu tấn, giảm 35% so với tổng số 5,49 triệu tấn của năm ngoái, do đồng baht tiếp tục tăng giá sẽ khiến gạo của Thái Lan đắt hơn gạo của những nước khác.
Cuối tháng 8/2019, Nội các Thái Lan đã thông qua khoản ngân sách 59 tỷ baht (hơn 1,94 tỷ USD) dành cho các chương trình đảm bảo giá và trợ cấp cho gạo và dầu cọ. Trong đó, 13,3 tỷ baht dành cho chương trình đảm bảo giá gạo, 21,4 tỷ baht dành cho dầu cọ và 25 tỷ baht để trợ cấp chi phí sản xuất cho người trồng lúa.
Chủ tịch TRMA Kriangsak nêu vấn đề liệu chính sách của Chính phủ chỉ hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kể cả nông dân trồng lúa, có đủ để giúp toàn bộ hệ thống buôn bán gạo hay không. Theo ông Kriangsak, các doanh nghiệp xay xát đang hoạt động trong trạng thái yếu hơn nhiều so với trước đây và cần thận trọng về định hướng để duy trì kinh doanh trong tình hình nhiều áp lực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục