BNEWS
Trong thời gian gần đây, giá cao su tăng sau 3 năm rớt thê thảm đã giúp “hồi sinh” nhiều vườn cao su nhưng nhiều hộ nông dân vẫn còn lo lắng do thị trường không ổn định.
Hơn 2 tháng trở lại đây, mủ cao su liên tục tăng giá, đây là tín hiệu vui của ngành cao su. Nhiều vườn cao su, người dân khai thác trở lại. Các vườn cao su đã “hồi sinh” sau 3 năm rớt giá thê thảm nhưng người nông dân vẫn còn lo lắng bởi thị trường không ổn định.
Ông Phan Văn Tiến, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc chia sẻ, người trồng cao su đã nhiều năm hứng chịu cảnh rớt giá. Nay giá mủ đã tăng trở lại là tín hiệu vui nhưng lại lo lắng liệu mức giá này duy trì được bao lâu. Nếu giá tiếp tục bấp bênh, nhiều vườn cao su vẫn có nguy cơ bị đốn chặt.
Sau nhiều năm mủ cao su rớt giá, nhiều vườn cao su trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bị bỏ hoang không được người dân chăm sóc nên sản lượng mủ cho thu hoạch thấp, chất lượng cũng giảm sút nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Hợi, xã Kim Long, huyện Châu Đức cho hay, vườn cây cao su của gia đình đã bỏ không khai thác 3 năm qua vì mủ rớt giá. Do không có kinh phí đầu tư chăm sóc nên cây phát triển chậm, ít mủ, thời gian cho mủ cũng ngắn nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Trước đây, trung bình 2 ha cao su một ngày cạo 15 kg mủ nhưng nay không được 12 kg.
Giá cao su tăng trở lại là tín hiệu vui của nhiều nhà vườn trồng tiểu điền cũng như của ngành cao su trên cả nước sau nhiều năm giá rớt xuống thấp. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vườn cây không được chăm sóc nên năng suất, chất lượng mủ bị và phải cần thời gian đầu tư chăm sóc nữa thì mới có thể nâng cao được năng suất, chất lượng. Nhưng giá cả mủ cao su ổn định mới là điều đáng quan tâm nhất.
Bà Trần Thị Hiến, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, giá mủ cao su tăng đúng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán nên nhiều hộ trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh đã tận dụng thời điểm này để thu hoạch, kiếm thêm thu nhập chuẩn bị cho Tết. Kể cả những vườn cao su đã bỏ nhiều năm không chăm sóc, người dân cũng tiến hành thu hoạch.
Hiện đang là thời điểm đầu mùa khô ở khu vực Nam Bộ, không phải chính vụ thu hoạch mủ nên người dân được khuyến cáo dừng cạo để tiến hành chăm sóc, bón phân cho cây. Không vì thấy giá cao su tăng mà vẫn tiếp tục tiến cạo mủ bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng của cây cũng như năng suất, chất lượn mủ thu hoạch.
Gia đình ông Trần Văn Mưu, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc có 1 ha trồng cao su đã 10 năm tuổi. Dù giá mủ cao su trong 3 năm qua liên tục giảm sâu nhưng ông vẫn quyết để lại vườn cao su, chăm sóc và khai thác. Giá mủ tăng lên như hiện nay thì mỗi năm ông thu về khoảng 100 triệu đồng đã trừ chi phí. Còn thời điểm trước, khi mủ rớt giá, mỗi năm ông chỉ thu về 50 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Nếu người nông dân cứ thấy cây trồng nào rớt giá lại “chặt" để trồng loại cây được giá thì điệp khúc này mãi cứ quanh quẩn, sẽ không thể khá lên được - ông Mưu nhận xét.
Thời gian qua, nhiều diện tích cao su trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị chặt bỏ để chuyển qua trồng các loại cây trồng khác. Riêng năm 2016, diện tích cây cao su đã giảm hơn 1.000 ha (năm 2015 là hơn 22.200 ha), chỉ còn hơn 21.200 ha. Những hộ trồng tiểu điền vẫn duy trì diện tích cao su và trồng thêm các loại cây trồng khác như: điều, tiêu, cà phê… để hỗ trợ về tài chính khi giá mủ rớt xuống thấp. /.
Hoàng Nhị