Cập nhật khuyến cáo mới nhất ứng phó bão từ Bộ chuyên ngành

10:10' - 21/07/2025
BNEWS Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai - Bộ NN và MT cảnh báo người dân lưu ý không nên chủ quan trước thiên tai, luôn tuân thủ theo các khuyến cáo.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 275 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11. Bão di chuyển hướng Tây Tây Nam, tốc độ 15–20 km/giờ.

 

Dự báo đến 4 giờ ngày 22/7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, khoảng 15km/h và có khả năng mạnh lên; sức gió cấp 10-11, giật cấp 14. Khu vực chịu ảnh hưởng là vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông, khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hưng Yên. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đến 4h ngày 23/7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ từ 10-15km/ giờ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, trên đất liền các tỉnh Hưng Yên - Thanh Hoá; sức gió cấp 6-7, giật cấp 9. Khu vực chịu ảnh hưởng là vùng biển vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đến 4h ngày 24/7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, với tốc độ từ 10-15  km/giờ, suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên đất liền khu vực Thượng Lào. Khu vực chịu ảnh hưởng là vùng biển vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trên đất liền, từ tối và đêm 21/7, vùng ven biển Quảng Ninh – Nghệ An gió mạnh dần lên cấp 7–9, gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14. Sâu trong đất liền gió cấp 6, giật cấp 7–8. Gió cấp 10–11 có thể gây đổ cây, cột điện, tốc mái.

Cập nhật khuyến cáo mới nhất ứng phó bão từ Bộ chuyên ngành

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cảnh báo người dân lưu ý không nên chủ quan, tuân thủ theo các khuyến cáo.

Đối với ngư dân, tàu thuyền trên biển, thường xuyên theo dõi vị trí, hướng di chuyển của bão/áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; Thu lưới ngay, trường hợp khẩn cấp có thể phải cắt bỏ lưới; Xác định vị trí của tàu thuyền so với vùng nguy hiểm để kịp thời di chuyển vào nơi neo đậu an toàn gần nhất hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão/áp thấp nhiệt đới theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Tuyệt đối không điều khiển tàu chạy về bờ cùng với hướng di chuyển của bão/áp thấp nhiệt đới; Chuẩn bị các dụng cụ chống thủng, chống chìm để sử dụng khi cần; Giữ liên lạc thường xuyên với các đài trực canh ven bờ và cơ quan chức năng.

Đối với cộng đồng, dân cư trên đất liền và ven bờ, cần theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến của bão/áp thấp nhiệt đới, mưa lớn để chủ động phòng, tránh.  Đảm bảo an toàn tàu thuyền nơi neo đậu, bảo vệ lồng, bè thủy sản; tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền đã neo đậu, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão ảnh hưởng, nhất là người dân trên các đảo.

Các hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của chính quyền địa phương; Chủ động khơi thông cống thoát nước gần nhà, khu dân cư mình ở tạo đường thoát lũ; thông báo tới chính quyền khi có sự cố về tắc nghẽn cống thoát nước, các điểm ngập sâu; không đỗ xe ở các vùng có nguy cơ ngập; đề phòng ngập tầng hầm chung cư.

Gia cố chuồng trại gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Lưu các số điện thoại cứu hộ, cứu nạn để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp; Chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục