Cây lạc giúp người dân vùng cao thoát nghèo

14:23' - 03/07/2022
BNEWS Đồng bào dân tộc Thái ở xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã chuyển đổi từ đất trồng lúa, ngô sang trồng giống lạc đỏ theo hướng hàng hóa.

So với trên cùng một đơn vị diện tích, cây lạc đỏ mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với các cây trồng khác, trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân Na Son xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

 

Gia đình anh Lò Văn Thiện ở bản Sư Lư, xã Na Son có 2.000m2 đất ven suối mà trước đây chuyên canh trồng lúa. Tuy nhiên sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền về hiệu quả của cây lạc, gia đình anh đã chuyển hẳn sang trồng loại cây này.

Anh Lò Văn Thiện cho biết, trồng lạc cũng giống trồng các loại cây trồng khác như lúa, ngô ở công đoạn làm đất. Thế nhưng, trồng lạc không phải đầu tư nhiều về phân bón, không phải sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ như trồng lúa nhưng mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Với giá bán tại chỗ 17.000 đồng/kg lạc tươi, cây lạc đỏ mang lại giá trị kinh tế cao hơn từ 3-4 lần so với cây lúa, cây ngô.

Lạc đỏ Na Son có đặc trưng riêng với hạt to, đều, mẩy, ăn ngậy và thơm nên vào vụ thu hoạch được thương lái từ khắp nơi đến tận thôn, bản để thu mua, bà con không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm.

Theo chính quyền xã Na Son, giống lạc đỏ được bà con trồng từ nhiều năm trước, tuy nhiên chỉ theo kiểu tự phát, manh mún nên năng suất, sản lượng thấp. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền huyện Điện Biên Đông, xã Na Son đã chú trọng phát triển cây lạc đỏ theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô sang trồng lạc; áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng. Đến nay, xã Na Son có hơn 30 ha diện tích đất trồng lạc với 200 hộ dân thuộc 5 bản tham gia, chủ yếu là bà con người dân tộc Thái.

Ông Lò Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Na Son cho biết: Khi vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền xã nhận thấy cây lạc đỏ rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã Na Son. Năng suất ước đạt 15 tạ/ha với giá bán cao hơn các loại lạc khác trên thị trường, giá giao động từ 17.000– 20.000 đồng/kg lạc tươi. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu trên thị trường vẫn còn rất cao so với sản lượng cung cấp của địa phương.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông, trong số các sản phẩm OCOP hiện nay của huyện Điện Biên Đông như: lạc đỏ Na Son, bí xanh Tìa Dình, khoai sọ Phì Nhừ và thịt lợn khô thì sản phẩm lạc đỏ Na Son được đánh giá mang lại giá trị kinh tế cao nhất giúp người dân nâng cao thu nhập và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, từ khí hậu, thổ nhưỡng đến thị trường tiêu thụ.

Bởi vậy, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp huyện Điện Biên Đông đang quy hoạch vùng trồng để phát triển bền vững, mở rộng diện tích cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho cây lạc ở xã Na Son; xây dựng định hướng để đưa lạc đỏ Na Son trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế./.

Tin liên quan

  • Tiếp vốn cho hộ mới thoát nghèo Kinh tế Việt Nam

    Tiếp vốn cho hộ mới thoát nghèo

    10:37' - 14/06/2022

    Với sự hỗ trợ đắc lực từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Thọ, sẽ có thêm nhiều gia đình thoát ra khỏi nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vươn lên làm giàu bền vững.


Tin cùng chuyên mục