Chậm khắc phục sạt lở trên tuyến đường đèo Hải Vân

12:59' - 09/11/2022
BNEWS Trận mưa lớn ngày 14/10 đã gây thiệt hại nặng nề trên tuyến đường lên đèo Hải Vân với 56 vị trí sạt lở taluy dương.

Tuy vậy, gần một tháng qua, trên đoạn đường qua đèo phía thành phố Đà Nẵng vẫn còn nhiều điểm sạt lở ngổn ngang đất đá, chưa được khắc phục, khiến cho việc đi lại qua đèo gặp khó khăn, mất an toàn giao thông.

Theo ghi nhận của phóng viên, đến ngày 8/11, trên tuyến đường qua đèo Hải Vân từ chân đèo phía Đà Nẵng lên đỉnh đèo còn hơn 10 điểm sạt lở lớn, nhỏ, đất đá ngổn ngang; một số điểm sạt lở đất đá tràn ra nửa mặt đường. Nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục sạt lở, rơi đất đá nếu gặp mưa lớn. Tại thời điểm phóng viên ghi nhận, Công ty Cổ phần hạ tầng giao thông Đèo Cả đang huy động một số thiết bị, máy móc và nhân lực để khắc phục sạt lở.

Anh Cao Văn Quyết, lái xe từ tỉnh Thiên Thiên Huế sang Đà Nẵng cho biết trên tuyến đường đèo xuống Đà Nẵng còn nhiều điểm sạt lở chưa được khắc phục. Một số điểm sạt lở ngổn ngang đất đá, nhưng không có đèn cảnh báo, lái xe rất khó xử lý khi đổ đèo. Đặc biệt vào ban đêm càng khó biết để giảm tốc độ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Anh Võ Mạnh Đạt, lái xe taxi đi qua đèo từ Thừa Thiên Huế phàn nàn, đường đèo phía Đà Nẵng gần 1 tháng qua vẫn còn nhiều điểm sạt lở, chưa được khắc phục. Một số điểm có nguy cơ sạt lở tiếp nếu gặp thời tiết xấu. Anh rất lo lắng khi qua đoạn đường này.

 

Trận mưa lịch sử ngày 14/10 tại Đà Nẵng đã gây sạt lở 56 vị trí taluy dương; đá tảng lăn làm lấp rãnh dọc, cống, tràn mặt đường tại Km892+700-Km916+300QL1 qua đèo Hải Vân. Trong đó có 2 vị trí sạt lở gây tắc đường hoàn toàn tại Km901+290, Km907+300; 6 vị trí sạt lở taluy âm và gây hư hỏng mặt đường, rãnh dọc, hệ thống an toàn giao thông.

Các điểm sạt lở phía địa phận Đà Nẵng ngổn ngang đất đá, chưa được khắc phục, khiến cho việc đi lại qua đèo gặp khó khăn, gây mất an toàn giao thông. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Công ty Cổ phần hạn tầng giao thông Đèo Cả thông tin, ngày 16/10, Công ty đã thông tuyến đường lên đèo Hải Vân, đồng thời xếp rọ đá để gia cố một số điểm nguy hiểm, đặt biển cảnh báo tại các điểm sạt lở taluy âm, các điểm đá lăn.

Để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo cần có xác minh khối lượng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Chủ đầu tư dự án đã có tờ trình số 1052/2022/TTr-ĐC ngày 20/10/2022 đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả bão lũ, đảm bảo giao thông bước 1 để đơn vị quản lý vận hành có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản 756/CĐBVN-QL,BTKCHTGT ngày 2/11/2022 giao cho Khu Quản lý đường bộ III và chủ đầu tư rà soát, phân loại hư hỏng thiệt hại do bão số gây ra; xác định phạm vi khối lượng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông bước 1 để Cục đường bộ Việt Nam ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả bão lũ, đảm giao thông bước 1.

Ông Võ Ngọc Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần hạ tầng giao thông Đèo Cả chia sẻ, cùng với các thủ tục liên quan gửi tới cơ quan quản lý nhà nước, để Cục sớm ban hành quyết định về lệnh thi công công trình khẩn cấp, Công ty cũng đang triển khai thiết bị, bắt đầu thu dọn các tảng đá, các điểm sạt lở và gia cố các điểm sạt lở./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục