Chất vấn tại Quốc hội: Nóng chuyện quản lý thuốc bảo vệ thực vật

15:33' - 16/11/2015
BNEWS Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/11, một nội dung nóng trên diễn đàn Quốc hội là chuyện quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Siết chặt quản lý thuốc bảo vệ thực vật

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) nêu kiến nghị của nhiều doanh nghiệp xung quanh khoản 5, Điều 5, mục B của Thông tư 21 quy định chỉ được đăng ký 1 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Trước khi thông tư ban hành, 4.100 tên thuốc bảo vệ thực vật được lưu hành với 1.700 các hoạt chất. Số lượng này quá nhiều, gây khó khăn cho nông dân khi lựa chọn thuốc cũng như công tác quản lý.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Tuyết chất vấn tại hội trường. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Bộ trưởng nêu rõ: "4.100 tên thuốc có nghĩa với cùng một bệnh trên cùng một cây trồng lại có những loại thuốc rất khác nhau. Nhiều khi chỉ chênh nhau hàm lượng một chút, hoặc cho thêm thành phần nào đó, lại đặt một tên khác. Trong khi đó, tên thuốc đặt lại không phải là tiếng Việt, phần lớn tên thuốc mà ngay cán bộ chuyên ngành cũng rất khó nhớ".

Thậm chí, Bộ trưởng nêu thực trạng thuốc bảo vệ thực vật xuống cấp cũng đổi tên. Để chấn chỉnh tình hình này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, phải siết chặt lại, trong đó có việc quy định việc đăng ký tên thuốc.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Thông tư 21 quy định mỗi tổ chức, cá nhân chỉ đăng ký một tên thuốc cho một loại hoạt chất, một thuốc kỹ thuật và thuốc thành phẩm. Bộ trưởng lo ngại nếu để như trước đây, sẽ gây rối và khó cho nông dân và nhà quản lý. Tuy nhiên, trước sự viện dẫn của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết về 40 doanh nghiệp đã ký vào biên bản, đề nghị xem xét lại quy định này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe, xem xét kỹ ý kiến của các doanh nghiệp. Một lần nữa, Bộ trưởng khẳng định: "Tinh thần là sẽ siết chặt quản lý để đảm bảo lợi ích của người dân".
* Sẽ xử lý dự án, công trình không trồng bù rừng thay thế
Trả lời chất vấn của các đại biểu Tô Văn Tám (Kom Tum), Trương Văn Vở (Đồng Nai) về vấn đề trồng bù diện tích rừng thay thế cho các dự án công trình thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: Trong lĩnh vực này, Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám chất vấn tại hội trường. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Thời gian qua, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ. Năm 2015, các cơ quan chức năng đã làm được khá nhiều việc, trong đó có vai trò rất tích cực của các địa phương và sự cố gắng từ các chủ đầu tư dự án, công trình thủy điện.

Do đó, năm 2015 khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch trồng bù rừng thay thế của các công trình thủy điện đã được Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra. Năm 2016, đối với diện tích rừng mà các công trình thủy điện đã lấy để phát triển, sẽ hoàn thành kế hoạch trồng bù rừng thay thế.
Để hoàn thành nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đã đề ra ba phương án. Đối với những dự án thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trồng bù diện tích rừng thay thế, một mặt Bộ tiếp tục cấp giấy phép hoạt động điện lực, đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư phải hoàn thành tiến độ trồng bù rừng thay thế theo đúng phương án mà cấp có thẩm quyền đã phê duyệt. Nếu những chủ đầu tư không hoàn thành sẽ xử lý theo quy định đối với việc trồng bù rừng thay thế.

 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Những dự án thủy điện đang có phương án trồng bù diện tích rừng thay thế, trong khi chờ phương án phê duyệt, ngành Công Thương sẽ tạm thời cấp giấy phép hoạt động điện lực một năm. Sau một năm, phương án trồng bù rừng thay thế đã phê duyệt, nếu chủ đầu tư không thực hiện, Bộ Công Thương sẽ xử lý vi phạm theo quy định.

Đối với những chủ dự án đã có phương án được phê duyệt nhưng không thực hiện, do khuyết điểm, thiếu trách nhiệm của chủ dự án, Bộ Công Thương sẽ cho thủy điện đó tạm thời dừng và rút giấy phép hoạt động điện lực của chủ đầu tư cho đến khi khắc phục được tình trạng đó.
Về sự chênh lệch trong thống kê diện tích trồng bù rừng thay thế của công trình thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng giải thích: Vấn đề này, có thể trong thời điểm thống kê giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có khác nhau. Mặt khác, có thể do một số công trình kết hợp giữa thủy lợi và thủy điện, nhưng thủy lợi là chính, còn thủy điện chỉ hỗ trợ.

Bộ trưởng nêu ví dụ ở công trình Thủy lợi thủy điện Cửa Đạt (Thanh Hóa) và một số công trình khác. Kiểu công trình này chủ yếu là thủy lợi nên khi thống kê diện tích rừng phải trồng thay thế đã tính vào công trình thủy lợi, mà không tính hoặc tính rất ít vào công trình thủy điện. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ rút kinh nghiệm và đảm bảo thống nhất các con số trong báo cáo về diện tích trồng rừng thay thế để phù hợp, đúng với thực thế.
* Cần xác định rõ tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) việc cụ thể hóa một số chính sách ứng dụng và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ: Theo quy định của Luật Công nghệ cao, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối tổ chức triển khai các hoạt động: Ứng dụng, nghiên cứu, phát triển công nghệ cao trong các ngành kinh tế kỹ thuật; thành lập và phát triển các khu công nghiệp cao; đào tạo nhân lực cho lĩnh vực hoạt động công nghệ cao; các cơ sở hạ tầng hoạt động, phục vụ cho công nghệ cao.

Thực hiện lĩnh vực này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình, đề án như: Trình Thủ tướng Chính phủ và đã được phê duyệt kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao.

Đây là hai chương trình rất quan trọng liên quan đến việc ứng dụng phát triển công nghiệp. Bước đầu, từ năm 2011 đến nay, nhiều đề tài nghiên cứu sản phẩm công nghệ mới đã được ứng dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số ứng dụng đã đóng góp vào việc nghiên cứu và sản xuất kinh doanh. Ví dụ, việc áp dụng công nghệ cao trong việc đóng các dàn khoan của ngành dầu khí.

Hiện nay đã có thể đóng các dàn khoan ở vùng nước sâu 90m và đang tiến hành việc đóng dàn khoan ở vùng nước sâu hơn 120m. Trong lĩnh vực nội địa hóa, một số nhà máy nhiệt điện đã thực hiện thành công việc sản xuất một số bộ phận, phụ tùng có công suất của một tổ máy đến 300 mê-ga-oát; đang nghiên cứu đến 600 mê-ga-oát. Ở các lĩnh vực liên quan đến sản xuất phân bón (phân U Rê…), tỷ lệ, hàm lượng những công việc mà doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng yêu cầu, đồng thời sản xuất được ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học công nghệ trong các sản phẩm công nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Để khắc phục tình trạng đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Thực hiện Nghị quyết số 15 năm 2013 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2015 và thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể như: Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới công nghệ, trước mắt xem xét điều chỉnh các tiêu chí cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời tăng cường chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.

Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng các dự án, đề án, những nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp; sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi.

Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, huy động các nguồn vốn khác nhau để đầu tư, hỗ trợ cho những dự án, đề án, các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp, sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Mặt khác, trong quá trình hội nhập quốc tế, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tận dụng những cơ hội thông qua các hiệp định thương mại tự do, nhất là việc đưa các công nghệ tiên tiến thông qua các dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.
Chưa hài lòng với phần trả lời chất vấn, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị làm rõ thêm các vấn đề: Đổi mới khoa học và công nghệ, nhất là trong 5 lĩnh vực này chưa đạt chỉ tiêu của nghị quyết Quốc hội đã đề ra; thẩm quyền xác nhận đạt doanh nghiệp công nghệ cao…

Làm rõ các vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Trong lĩnh vực công nghệ cao, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối, phối hợp với Bộ Công Thương. Cho nên, việc phân bổ các vốn đầu tư cho những dự án thuộc chương trình công nghệ cao không thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương không phải là cơ quan xét duyệt, cấp vốn cho các dự án đó.
Đối với tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, hiện nay việc xây dựng bộ tiêu chí còn chậm và có thể chưa phù hợp. Vì thế, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát lại và sẽ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt tiêu chí đối với doanh nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp không phải vất vả, mất nhiều thời gian cũng như phiền hà trong quá trình đợi xem xét, công nhận doanh nghiệp công nghệ cao để hưởng những ưu đãi.
Quỳnh Hoa - Nguyễn Cường/TTXVN 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục