Châu Á - ASEAN: Mảnh ghép chiến lược trong định hướng hợp tác mới của Mercosur

12:27' - 05/07/2025
BNEWS ASEAN, với vị thế là một trong những trung tâm sản xuất, tiêu thụ và đổi mới công nghệ của thế giới, đang nổi lên như một đối tác tiềm năng trong chiến lược mở rộng hợp tác của Mercosur.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 66 của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã bế mạc ngày 3/7 tại

Buenos Aires, Argentina đánh dấu bước chuyển mới trong định hướng hợp tác kinh tế đối ngoại của khối, với trọng tâm là kêu gọi tăng cường kết nối với châu Á, đặc biệt là các nền kinh tế năng động thuộc khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh: “Đã đến lúc Mercosur hướng đến châu Á”, đồng thời đánh giá cao những lợi ích tiềm năng của việc tăng cường các mối quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia.

Tổng thống Brazil cũng cho biết trong vai trò Chủ tịch luân phiên Mercosur 6 tháng cuối năm 2025, nước này sẽ thúc đẩy khối hướng tới mục tiêu tăng cường thương mại liên khối với các đối tác bên ngoài và thực hiện một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với Liên minh châu Âu (EU).

*Mercosur hướng tầm nhìn về châu Á

Tại hội nghị kéo dài hai ngày tại Cung San Martín, trụ sở lễ tân của Bộ Ngoại giao Argentina, Tổng thống nước chủ nhà Javier Milei khẳng định nhu cầu cấp thiết phải “làm mới”; hối thúc sự linh hoạt trong cơ chế hợp tác nội khối nhằm mở rộng không gian kinh tế với các đối tác ngoài khu vực.

Ông Milei khẳng định: “Chúng ta cần nhiều thương mại hơn, nhiều đầu tư hơn, nhiều việc làm hơn, và điều đó chỉ có thể đạt được thông qua sự tự do kinh tế lớn hơn. Argentina sẵn sàng tiến bước, cho dù có sự đồng hành của các thành viên Mercosur hay không”. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, nếu nội bộ khối tiếp tục trì hoãn, Argentina có thể tự mình theo đuổi các lộ trình hợp tác tự do với những đối tác bên ngoài.

Tổng thống Brazil, Lula da Silva, người kế nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Mercosur từ Argentina trong 6 tháng tới, cũng ủng hộ xu hướng mở rộng hợp tác của khối ra ngoài khu vực truyền thống. Theo ông Lula, châu Á đang là “trung tâm năng động nhất của kinh tế thế giới”, và việc tăng cường liên kết với khu vực này là điều kiện tiên quyết để Mercosur tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

*Cơ hội lớn cho Mercosur và ASEAN

Tuyên bố của lãnh đạo các nước Mercosur, đặc biệt là Brazil, phản ánh rõ sự thay đổi trong nhận thức về vai trò chiến lược của châu Á, bao gồm cả ASEAN, đối với triển vọng tăng trưởng của khối kinh tế Nam Mỹ này.

Hiện tại, châu Á không chỉ là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Mercosur mà còn là khu vực thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và công nghệ mới, nhất là trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, khoáng sản chiến lược và chuyển đổi số.

Theo số liệu chính thức, năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Mercosur và phần còn lại của thế giới đạt gần 669 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là đối tác xuất khẩu số một của khối, vượt xa EU, Mỹ, Chile (Chi-lê) và Mexico (Mê-hi-cô).

Điểm nhấn nổi bật là ASEAN, với vị thế là một trong những trung tâm sản xuất, tiêu thụ và đổi mới công nghệ của thế giới, đang nổi lên như một đối tác tiềm năng trong chiến lược mở rộng hợp tác của Mercosur. Nhu cầu lương thực, năng lượng và nguyên liệu đầu vào của ASEAN ngày càng tăng, phù hợp với thế mạnh xuất khẩu truyền thống của các nước Nam Mỹ như Brazil, Argentina, Uruguay (U-ru-goay) và Paraguay (Pa-ra-goay).

Trong ASEAN, Mercosur đã ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Singapore (Xin-ga-po). Indonesia cũng đã chính thức bày tỏ mong muốn đàm phán một FTA với Mercosur. Chính phủ của Tổng thống Indonesia, Prabowo Subianto, khẳng định việc tăng cường hợp tác với Mercosur sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường an ninh lương thực và đẩy mạnh các chuỗi cung ứng khu vực.

Ngoài Indonesia, các nền kinh tế lớn khác của châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam cũng nằm trong lộ trình hợp tác ưu tiên của Mercosur.

*Những bước đi cụ thể: Mở rộng hợp tác toàn diện

Ngay sau khi tiếp quản cương vị Chủ tịch luân phiên Mercosur, Tổng thống Lula đã công bố kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các đối tác châu Á. Dự kiến, ông Lula sẽ lần lượt tiếp đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tại Brasilia, khi các nhà lãnh đạo này tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025 diễn ra trong hai ngày 6-7/7 tại Rio de Janeiro, Brazil.

Bà Susan Kleebank, Vụ trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Brazil cho biết: “Châu Á là ưu tiên chiến lược, không chỉ của Brazil mà của cả Mercosur. Các cuộc gặp song phương với Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia sẽ mở ra kênh đối thoại chính thức, hướng tới đàm phán sâu rộng về thương mại và đầu tư”.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Mercosur. Năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mercosur đạt khoảng 12 tỷ USD. Trong đó chủ yếu là trao đổi thương mại với Brazil (gần 8 tỷ USD) và Argentina (gần 4 tỷ USD).

Mercosur hiện là một trong những thị trường lớn cho các mặt hàng nông–thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đồng thời là nguồn nhập khẩu nguyên liệu thô quan trọng. Việc khởi động đàm phán một hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Mercosur kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động kinh tế và đầu tư trong những năm tới.

Với Ấn Độ, Mercosur đã có Hiệp định Ưu đãi Thuế quan từ năm 2009, song hai bên đang tính tới khả năng nâng cấp thỏa thuận này thành một FTA toàn diện, nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng thương mại song phương.

Trong khi đó, việc thiết lập FTA với Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là thành viên then chốt của ASEAN, được kỳ vọng sẽ mở đường cho Mercosur tăng cường sự hiện diện tại khu vực ASEAN - nơi tập trung hơn 650 triệu dân và được đánh giá là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. 

Bên cạnh kế hoạch hợp tác với châu Á, Tổng thống Lula cũng nhấn mạnh 5 ưu tiên của Brazil khi giữ vai trò Chủ tịch Mercosur.

Thứ nhất là thúc đẩy thương mại nội khối và mở rộng hợp tác với các đối tác toàn cầu, bao gồm ký kết FTA với Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA) và đàm phán với EU, Canada (Ca-na-đa), Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Panama và Cộng hòa Dominica (Đô-mi-ni-ca).

Thứ hai là tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh Brazil đăng cai Hội nghị lần thứ 30 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP30) vào cuối năm nay.

Thứ ba là thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển bền vững trong khu vực, với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của Mercosur trên toàn cầu.

Thứ tư là tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, nhằm đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực. Cuối cùng là bảo vệ quyền công dân và thúc đẩy sự tham gia xã hội, tạo dựng một cộng đồng Mercosur đoàn kết và bao trùm. Tổng thống Lula nhấn mạnh: “Chúng ta có đủ tiềm lực để trở thành một nhân tố quan trọng trong việc xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn. Việc tăng cường hợp tác với châu Á, đặc biệt là ASEAN, sẽ là bước đi chiến lược để hiện thực hóa mục tiêu đó”.

*Triển vọng kết nối hai khu vực năng động

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chuyển hướng sang các mô hình phát triển xanh, bền vững, sự kết nối giữa Mercosur và ASEAN được đánh giá là mang lại lợi ích song phương rõ rệt.

Mercosur, với thế mạnh về nông nghiệp, khoáng sản, năng lượng và tiềm lực đổi mới công nghệ, có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ASEAN về an ninh lương thực, năng lượng tái tạo và nguyên liệu thô phục vụ công nghiệp.

Ngược lại, ASEAN có thể trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm Mercosur, đồng thời cung cấp nguồn đầu tư, công nghệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế số, đô thị thông minh, giáo dục và y tế cho các quốc gia Nam Mỹ.

Việc đẩy mạnh hợp tác Mercosur - ASEAN không chỉ giúp đa dạng hóa các đối tác kinh tế của hai bên, mà còn góp phần củng cố vai trò của các nước đang phát triển trong trật tự kinh tế toàn cầu đang định hình lại sau đại dịch và căng thẳng địa chính trị.

Hội nghị Mercosur lần này đã mở ra cơ hội mới để kết nối hai khu vực đầy tiềm năng, đưa hợp tác Nam - Nam trở thành động lực tăng trưởng thực chất và bền vững cho cả Mercosur và ASEAN trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục