Chi phí đội lên hàng triệu USD, doanh nghiệp Mỹ “khó thở” vì thuế mới

14:02' - 13/04/2025
BNEWS Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đang phải gồng mình đối mặt với chi phí leo thang, sự bất định về chuỗi cung ứng và nguy cơ suy giảm sức mua tiêu dùng.
Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động làn sóng áp thuế mới, nhằm bảo hộ sản xuất nội địa và tái cân bằng thương mại, những tác động kinh tế đầu tiên đã được quan sát thấy. Từ các nhà máy nhỏ cho đến trung tâm biểu diễn nghệ thuật, hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đang phải gồng mình đối mặt với chi phí leo thang, sự bất định về chuỗi cung ứng và nguy cơ suy giảm sức mua tiêu dùng – những thách thức có thể làm chao đảo cả nền tảng tăng trưởng hậu đại dịch COVID-19.

Ông Steve Shriver, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) công ty Eco Lips có trụ sở tại Cedar Rapids, bang Iowa – chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe hữu cơ – cho biết công ty của ông đang đối mặt với sự bất ổn chưa từng có. Ông nói: “Chúng tôi liên tục phải đối phó với sự bất định, từ chuỗi cung ứng cho tới hoạt động kinh doanh trong tương lai”.

Không chỉ riêng Eco Lips, nhiều doanh nghiệp khác của Mỹ cũng đang gặp phải khó khăn tương tự. Họ đã buộc phải hủy đơn đặt hàng, tạm dừng kế hoạch phát triển và hoãn tuyển dụng nhân sự mới.

 
Ông Paul Kusler, chủ cửa hàng đồ chơi Into the Wind tại Boulder, bang Colorado – với doanh thu hàng năm khoảng 2,5 triệu USD – chia sẻ phần lớn sản phẩm của công ty đến từ Trung Quốc. Ông nói: “Thuế quan [do Tổng thống Trump áp đặt] với Trung Quốc đang khiến chúng tôi ‘khó sống sót’. Nó là mối đe dọa thực sự đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Chúng tôi nhận thông báo tăng giá gần như hàng ngày, kể cả với những mặt hàng đã nhập về kho.”

Ông Kusler cho biết giá các sản phẩm đã tăng từ 7–10% trong vài tuần gần đây, ngay sau tuyên bố “Ngày Giải phóng” và điều chỉnh thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump hôm 2/4.

Ông nói thêm: “Chúng tôi có thể chịu được khoảng 3% tăng chi phí, nhưng hơn nữa thì rất khó. Người tiêu dùng đang siết chặt chi tiêu vì lo lắng về giá thực phẩm, xăng dầu. Trong hoàn cảnh đó, mua đồ chơi không còn là ưu tiên”.

Tại thành phố Pensacola thuộc bang, Florida, bà Emily Ley, người sáng lập công ty Simplified - chuyên sản xuất sổ tay và văn phòng phẩm cao cấp dành cho phụ nữ, cho biết kể từ khi Tổng thống Trump, trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2017, bắt đầu áp thuế với hàng Trung Quốc nhập khẩu, công ty của bà đã nộp hơn 1 triệu USD tiền thuế thương mại. Với mức thuế mới hiện nay, lên tới 145% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, bà Ley dự báo con số 1 triệu USD tiền thuế sẽ được “lặp lại chỉ trong vòng 12 tháng tới”.

Bà cho biết đã từng nỗ lực tìm cách đưa sản xuất về Mỹ, nhưng không thể tìm được nhà máy nào có thể cung ứng được hàng hóa đủ chất lượng với chi phí hợp lý. Bà nói: “Điều này có thể đẩy chúng tôi đến bờ vực phá sản” và “chúng tôi đang xoay xở từng ngày để tìm cách tồn tại".

Tại Đại học Denver, bà Aisha Ahmad-Post, Giám đốc Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Newman, đang phải tìm cách xoay sở nguồn tiền chi thêm hơn 140.000 USD cho dự án thay mới 971 ghế tại Nhà hát June Swaner Gates. Trung tâm này đã lựa chọn mua ghế từ công ty Ducharme (Canada) với tổng giá trị hơn 560.000 USD – sau khi hai nhà cung cấp Mỹ đưa ra các lựa chọn không phù hợp: hoặc vượt quá ngân sách, hoặc yêu cầu dùng dung môi khô độc hại để bảo trì.

Tuy nhiên, ngày 5/3, bà Ahmad-Post nhận được thư từ Ducharme thông báo rằng đơn vị này buộc phải cộng thêm thuế theo quy định mới của chính quyền Tổng thống Trump. Với mức thuế 25% đang áp dụng cho hàng hóa từ Canada, số tiền phát sinh là hơn 140.000 USD.

Bà Ahmad-Post than thở: “Ghế đã được đưa vào sản xuất, chúng tôi không thể đổi phương án lúc này. Giờ thì chúng tôi đang đau đầu không biết lấy đâu ra ngân sách để bù đắp phần chênh lệch”.

Những trường hợp nêu trên chỉ là một số nhỏ trong số hàng chục doanh nghiệp tại Mỹ đang hứng chịu tác động trực tiếp và tức thời từ chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump – một chính sách mà theo giới doanh nghiệp, đang tạo ra làn sóng bất ổn sâu rộng trong toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù, ông Trump đã tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đối với hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia, thay bằng thuế cơ sở 20%, nhưng mức thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc lại bị nâng lên đến 145% khi tính gộp với các đợt áp thuế trước đó. Riêng Canada và Mexico tiếp tục chịu mức thuế 25% đối với các mặt hàng không thuộc phạm vi hiệp định thương mại hiện hành.

Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng, CEO của Eco Lips, ông Shriver, đã gửi thư đến 300 khách hàng – là các đối tác đặt hàng gia công dưới nhãn hiệu riêng – để thông báo rằng giá hàng hóa sẽ tăng và thời gian giao hàng cũng phải lùi lại.

Ông nói: “Tôi không hy vọng gì vào việc hoãn thuế. Đây chỉ là tạm hoãn 90 ngày – và hoàn toàn có thể thay đổi sau 10 ngày nữa”. Ông nhấn mạnh: “Thuế suất 10% hiện tại đã là một gánh nặng không nhỏ và chắc chắn sẽ đẩy giá thành lên đáng kể.”

Theo tính toán của ông Shriver, chi phí nguyên vật liệu trong vòng 12 tháng tới có thể tăng thêm 5 triệu USD, so với mức chi phí thường niên khoảng 10 triệu USD cho các nguyên liệu nhập khẩu – gồm những thành phần không thể trồng tại Mỹ như vanilla, dầu dừa và cacao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục