Chi phí vụ Hè Thu tăng khiến nông dân lo lắng

09:58' - 26/04/2017
BNEWS Chi phí sản xuất lúa trong vụ Hè Thu này dự kiến tăng khoảng 500.000 đồng/công lúa do phân bón, chi phí nhân công, giá xăng, dầu, điện ở mức cao đang khiến người dân lo lắng.
Chi phí vụ Hè Thu tăng khiến nông dân lo lắng. Ảnh minh họa: Công Thử - TTXVN

Đến nay, nông dân TP. Cần Thơ xuống giống được hơn 76.500 ha lúa Hè Thu 2017, đạt 99% kế hoạch. Nhìn chung, các trà lúa phát triển khá tốt và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, thời tiết tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nông dân cần thăm đồng thường xuyên, chủ động phòng tránh rủi ro, đảm bảo thắng lợi vụ lúa này.

Từ đầu vụ Hè Thu 2017 đến nay, mực nước dưới các tuyến kênh chính và kênh nội đồng của TP. Cần Thơ thường xuyên ở mức cao, tạo nhiều thuận lợi cho nông dân bơm tưới nước cho ruộng lúa cũng như giảm được số lần phải bơm nước. Tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho cây lúa phát triển, đặc biệt không xuất hiện các cơn mưa trái mùa.

Tuy nhiên, trong khoảng 2 tuần giữa tháng 4, nắng nóng và nhiệt độ tăng cao đã ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Ngoài ra, do ảnh hưởng của giá phân bón và một số loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng nên khả năng năng suất lúa trong vụ này khó đạt cao so với vụ Đông Xuân.

Anh Phan Văn Mỹ ngụ ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ cho biết, chi phí sản xuất lúa trong vụ Hè Thu này dự kiến tăng khoảng 500.000 đồng/công lúa do phân bón, chi phí nhân công, giá xăng, dầu, điện ở mức cao.

Tuy giá nhiều loại phân bón đã giảm so với đầu vụ nhưng vẫn còn cao hơn trên dưới 100.000 đồng/bao 50kg so với năm trước. Trong vụ Hè Thu, nông dân thường phải tăng lượng bón phân để bù lượng phân bốc hơi do trời nắng nhằm đảm bảo năng suất.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ, do giá của các loại nguyên liệu đầu vào tăng nên giá một số loại phân bón có tăng so với vụ Đông Xuân.

Do đó, để đảm bảo năng suất cho vụ Hè Thu, nông dân nên thường xuyên thăm đồng và sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả. Trong tình hình nắng nóng, nếu bón phân không đúng thời điểm thì sẽ dễ bị thất thoát nhiều mà cần bón đúng thời điểm cây lúa cần phân nhất chứ không nên bón tràn lan.

“Nên sử dụng các loại phân bón chậm tan để kéo dài thời gian sử dụng phân. Đối với thuốc bảo vệ thực vật thì nên sử dụng theo kỹ thuật “4 đúng”. Khi nào dịch hại vượt ngưỡng cho phép thì mới phun chứ không nên phun ngừa dịch hại”, bà Hiếu khuyến cáo.

Lúa Hè Thu trên địa bàn TP. Cần Thơ chủ yếu đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến chuẩn bị làm đòng và trổ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, nhìn chung, các trà lúa đang phát triển khá tốt. Một số trà lúa xuất hiện rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn và bị chuột cắn phá. Một số loại dịch hại khác tấn công, nhưng với mật số thấp, nằm trong vòng kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Văn Nhàn ở ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, thời tiết năm nay diễn biến rất khó đoán, xuất hiện mưa trái mùa. Giai đoạn lúa còn nhỏ và chưa trổ, gặp mưa là thuận lợi.

Nhưng lúc lúa trổ và chín, gặp phải trời mưa sẽ ảnh hưởng năng suất lúa. 3 công lúa (1.300m2/công) của ông Nhàn gieo sạ được hơn 35 ngày, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh phát triển khá tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, ông vẫn thăm đồng thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện, phòng trị sâu bệnh.

Trước tình hình sản xuất có nhiều bất lợi, các cấp chính quyền và các ngành chức năng thành phố đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.

Theo đó, ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ đã có khuyến cáo kịp thời cho chính quyền các địa phương và nông dân thực hiện những biện pháp chủ động phòng tránh các rủi ro trong sản xuất và ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết.

Trong đó, lưu ý sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2016-2017, các địa phương cần tích cực vận động nông dân chuyển đổi trồng cây màu trên nền đất lúa kém hiệu quả. Đối với các diện tích sạ lại lúa, phải đảm bảo thời gian cách ly giữa vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu ít nhất 3 tuần.

Khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường như "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", tưới tiêu nước tiết kiệm, công nghệ sinh thái, sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học trong quản lý sâu rầy, chú ý không sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn lúa từ 0 đến 40 ngày sau sạ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, trong vụ Hè Thu, nông dân cũng tiếp tục tăng cường liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp để duy trì và phát triển các mô hình "cánh đồng lớn" có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra. Ước tính, diện tích lúa nông dân tham gia mô hình "cánh đồng lớn" dự kiến đạt khoảng 17.000 – 18.000 ha./.

>> Khuyến khích nông dân trồng lúa Hè Thu bằng giống lúa chịu hạn

>> Mưa “vàng” cứu khát Bạc Liêu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục