Chỉ số giá tiêu dùng của Tp.Hồ Chí Minh tháng 8 tăng 0,33%

16:04' - 29/08/2021
BNEWS Ngày 29/8, Cục Thống kê Tp.Hồ Chí Minh đã công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2021 của thành phố tăng 0,33% so với tháng trước và bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 2,51% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cục Thống kê thành phố, một số nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng là trong tháng 8, thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nhằm kiểm soát dịch COVID-19, nhu cầu dự trữ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm của người tiêu dùng cũng tăng cao.

Trong khi đó, nguồn cung hàng hóa vẫn còn hạn chế khi nhiều chợ đầu mối và truyền thống vẫn đang tạm ngưng hoạt động để phòng chống COVID-19.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian này cũng tăng lên. "Nhằm kiểm soát tình hình, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai phiếu, thẻ đi chợ, siêu thị, khuyến khích các điểm bán hàng lưu động; tăng cường kiểm tra, siết chặt việc sốt giá, tăng giá nhằm góp phần ổn định giá cả trên thị trường trong thời điểm hiện nay", đại diện Cục Thống kê thành phố cho biết.

So với tháng trước, có 3/11 nhóm chỉ số giá tăng bao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,68%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,75%; nhóm giáo dục tăng 0,003%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế không biến động. Các nhóm hàng còn lại đều giảm so tháng trước; trong đó, giảm cao nhất là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,84%.

Phân tích diễn biến giá một số nhóm ngành hàng so với tháng trước, Cục Thống kê thành phố cho biết, chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,68% so với tháng trước; trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,59%, chủ yếu do gạo tăng 0,50%; nhóm bột mì và ngũ cốc khác tăng 8,33%; nhóm lương thực chế biến tăng 2,07%. Giá các mặt hàng này tăng cao do nhu cầu mua dự trữ tăng, nguồn cung tăng giá.

Tương tự, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 2,71% so với tháng trước. Cụ thể như thịt gia súc tăng 2,57%, thịt gia cầm tăng 1,01%, thịt chế biến tăng 0,80%, trứng các loại tăng 7,38%, thủy sản tươi sống tăng 4,99%, nước mắm, nước chấm tăng 1,06%. Rau tươi, khô và chế biến tăng 5,39% so tháng trước; quả tươi, chế biến tăng 4,36%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá cũng có chỉ số giá tăng 0,75% so với tháng trước, tập trung ở mặt thuốc lá tăng 2,66%, do nhu cầu tăng cao để tích trữ và chi phí vận chuyển tăng.

Ở chiều hướng giảm giá, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng có chỉ số giá giảm so với tháng trước, chủ yếu là nhà ở thuê giảm 1,21% do chủ nhà chia sẻ khó khăn với khách trong thời điểm dịch bệnh; giá điện sinh hoạt giảm 0,49%, nước sinh hoạt giảm 0,39%. Bên cạnh đó, nhóm gas và các loại chất đốt tăng 2,97%, do giá gas điều chỉnh tăng trong khoảng 12.000 đến 20.000 đồng/bình; ngược lại giá dầu hỏa giảm 2,53%.

Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 0,22% so với tháng trước; trong đó, phương tiện đi lại giảm 0,14%; nhiên liệu giảm 0,38% do tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 11/8 và giảm giá xăng dầu hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã  hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giá xăng giảm 0,41%, dầu diezel giảm 2,62% so tháng trước.

Trong tháng 8/2021, chỉ số giá vàng giảm 0,05%, chỉ số giá USD giảm 0,05% so với tháng trước./.

>>Thành phố Thủ Đức phối hợp cùng Grab đi chợ hộ người dân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục