Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bạc Liêu tăng 2,67 điểm

16:04' - 05/11/2024
BNEWS Ông Huỳnh Công Quân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo báo cáo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023, tỉnh được 63,03 điểm, tăng 2,67 điểm so với năm 2022.

Nhưng về thứ hạng và điểm số vẫn nằm ở nhóm điều hành "tương đối thấp", chưa nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023. Tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong thời gian tới.

 

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết đã chỉ đạo sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan nghiêm túc tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.

Trong số đó, trọng tâm là 7 giải pháp trong ngắn hạn, cụ thể là: tổ chức đối thoại hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp theo định kỳ hàng quý; đơn giản hóa, thúc đẩy cải cách hành chính toàn diện, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến toàn trình; phát huy hiệu quả vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh; xây dựng chương trình đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả xúc tiến mời gọi đầu tư.

Cùng với giải pháp ngắn hạn, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu các ngành, cấp trong tỉnh cần quan tâm 7 giải pháp dài hạn gồm: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số mà trọng tâm là hệ thống quản lý đô thị thông minh tích hợp; tiếp tục xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương DCCI hàng năm; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp; tập trung đào tạo lao động chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại có hiệu quả, thực chất; huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền các nội dung về chỉ số PCI như: khảo sát, nội dung khảo sát đánh giá… để giải thích rõ ràng, cụ thể cho doanh nghiệp nắm để khi doanh nghiệp trả lời đảm bảo tính khách quan, chính xác. Đồng thời, định kỳ hàng tháng rà soát tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để phối hợp với các ngành, địa phương xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nhìn nhận về chỉ số PCI những năm qua, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, dù có cải thiện thứ hạng và điểm số nhưng Bạc Liêu vẫn nằm ở nhóm điều hành "tương đối thấp".

Theo ông Phạm Văn Thiều, ngoài các khó khăn do yếu tố khách quan như: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu, đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp và người dân chưa cao, nguồn nhân lực và đào tạo lao động của tỉnh còn nhiều khó khăn... Thêm một nguyên nhân nữa là xuất phát từ các yếu tố chủ quan trong tổ chức thực hiện và chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.

Chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần và 142 chi tiêu cơ bản. Trong số 10 chỉ số thành phần thì tỉnh Bạc Liêu có 6 chỉ số tăng điểm và 4 chỉ số giảm điểm so với năm 2022. Cụ thể, 6 chỉ số tăng điểm gồm: gia nhập thị trường; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẵng; tính năng động của chính quyền. Nhóm chỉ số thành phần năm 2023 giảm so với năm 2022 là: tiếp cận đất đai; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Riêng chỉ số tiếp cận đất đai (giảm 3 năm liên tiếp). Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Bình Thuận - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu hiện nay là quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai vẫn còn nhiều vướng mắc. Do đó, chưa thể phát huy tối đa việc hỗ trợ doanh nghiệp đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết. Quy định pháp luật về đất đai có nhiều bất cập, chồng chéo, mỗi lần xin ý kiến bộ, ngành Trung ương mất nhiều thời gian khiến doanh nghiệp không hài lòng việc xử lý các kiến nghị. Ngoài ra, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai do chưa giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư kết cấu hạ tầng, hoặc khu vực chưa có quy hoạch. Những điều này làm cho doanh nghiệp cảm thấy khó khăn, không muốn liên hệ để lập thủ tục và đưa ra đánh giá thấp đối với nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.

Trong khi đó, đối với  chỉ số đào tạo lao động (giảm 4 năm liên tiếp), bà Trần Yến Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận, hạn chế, thiếu sót khi chỉ số đào tạo lao động của địa phương còn thấp. Theo bà Hòa, nguyên nhân do chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; số lượng cơ sở đào tạo còn ít nên tuyển sinh chưa đạt yêu cầu đề ra…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục