Chỉ số Nasdaq Composite tuần qua giảm mạnh nhất kể từ tháng Ba

14:16' - 05/09/2020
BNEWS Tính chung cả tuần, chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,3%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng Ba, trong khi chỉ số Dow Jones mất 1,8% và chỉ số S&P 500 lùi 2,3%. 
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 4/9 đi xuống, nhưng đã bứt lên khỏi các mức thấp trong phiên, khi một số lĩnh vực nhận được sự hỗ trợ, trong lúc cổ phiếu công nghệ và các phân khúc tăng mạnh khác cảm nhận sức ép do các nhà đầu tư tiếp tục bán ra.

Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones giảm 159,42 điểm, hay 0,6%, xuống 28.133,31 điểm, sau khi giảm 628 điểm xuống mức thấp trong phiên. Chỉ số S&P 500 giảm 28,1 điểm, hay 0,8%, xuống 3.426,96 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm 144,97 điểm, hay 1,3%, xuống 11.313,13 điểm.

Cổ phiếu lĩnh vực công nghệ trong chỉ số S&P 500 giảm 1,3% phiên 4/9, trong khi cổ phiếu trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông vốn cũng được các nhà đầu tư ưa thích giảm 1,9% và cổ phiếu tiêu dùng giảm 1,4%. Trong khi đó, cổ phiếu của các lĩnh vực khác lại được quan tâm mua vào và lên giá như cổ phiếu tài chính tăng 0,8%, công nghiệp tăng 0,2% và vật liệu tăng 0,1%.

Xu hướng đó được kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong tương lai gần, một dấu hiệu tích cực cho thị trường nói chung. Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, Chris Zaccarelli, cho rằng xu hướng đi lên sẽ tiếp tục khi các nhà đầu tư bán ra các cổ phiếu công nghệ để chốt lời và chuyển tiền vào các lĩnh vực khác như năng lượng, vật liệu và tài chính.

Trước đó, chốt phiên 3/9, chỉ số Dow Jones mất 807,77 điểm, hay 2,8%, xuống 28.292,73 điểm, sau khi giảm hơn 1.000 điểm, xuống mức thấp trong phiên. Chỉ số S&P 500 giảm 125,78 điểm, hay 3,5%, xuống 3.455,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 598,34 điểm, hay 5%, xuống 11.458,1 điểm. Đây đều là các mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ tháng Sáu.

Tính chung cả tuần, chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,3%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng Ba, trong khi chỉ số Dow Jones mất 1,8% và chỉ số S&P 500 lùi 2,3%.

Giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management, Mark Haefele, lưu ý rằng chỉ số S&P 500 tăng 7% trong tháng trước, mức tăng mạnh nhất trong 34 năm, sau đó tăng 2,3% trong hai phiên đầu tiên của tháng Chín, lên mức cao kỷ lục mới, trước khi chứng kiến hoạt động bán ra chốt lời trong phiên sau đó.

Theo ông Haefele, thị trường vẫn nhận được động lực lớn từ thanh khoản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng với sự hấp dẫn của cổ phiếu và đà phục hồi tiếp tục khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi các biện pháp phong tỏa được thực hiện ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục