“Chìa khóa” để đạt được nền kinh tế tuần hoàn ở ASEAN

05:30' - 13/02/2022
BNEWS Những hồi chuông cảnh báo về việc cần phải có hành động chống biến đổi khí hậu đang ngày càng vang lên mạnh mẽ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo tác giả bài viết trên báo The Business Times số ra gần đây, những hồi chuông cảnh báo cần phải có hành động về tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng vang lên mạnh mẽ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Một báo cáo gần đây của trường Đại học Công nghệ Nam Dương và Đại học Glasgow đã cảnh báo rằng ASEAN có thể mất hơn 35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2050, vì biến đổi khí hậu đe dọa các lĩnh vực then chốt như du lịch.

Những thách thức này thường được giải quyết thông qua những cam kết hành động khí hậu như những mục tiêu về phát thải. Tuy nhiên, một sáng kiến chưa được phân tích là việc ASEAN theo đuổi nền kinh tế tuần hoàn. Thông qua Khuôn khổ nền kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng kinh tế ASEAN, được ra mắt vào tháng 10/2021, tổ chức này tìm cách giải quyết những nguy cơ về biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng phục hồi kinh tế của khu vực.

Tuy nhiên, con đường thực hiện một nền kinh tế tuần hoàn toàn khu vực còn nhiều thách thức. Về mặt khái niệm, việc định nghĩa nền kinh tế tuần hoàn của Khuôn khổ thiếu tính cụ thể, và có những câu hỏi được đặt ra là nó kết hợp như thế nào với các phương pháp tiếp cận cấp quốc gia.

Việc làm rõ cơ sở khái niệm của nền kinh tế tuần hoàn sẽ là công việc của các học giả và chuyên gia tư vấn. Tuy nhiên, trên thực tế, ASEAN có thể xóa tan những nghi ngờ về tính khả thi của nền kinh tế tuần hoàn khu vực bằng việc thực hiện những bước đi cụ thể, chẳng hạn như đặt ra các tiêu chuẩn giám sát ngành, để chứng tỏ nó có thể hoạt động.

Vạch ra các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn

Phục hồi từ đại dịch COVID-19, ASEAN cần một mô hình kinh tế mới để đối phó với những vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên. Nền kinh tế tuần hoàn – vốn tránh xa mô hình tuyến tính truyền thống xoay quanh “lấy vào, sản xuất, sử dụng và thải loại” – đưa ra một con đường khác.

Mô hình này được mô tả là một chuỗi chữ “R” (refuse – từ chối, rethink – tính toán lại, reduce – giảm bớt, reuse – tái sử dụng, repair – sửa chữa lại, refurbish – tân trang, remanufacture – tái sản xuất, repurpose – đặt lại mục tiêu, recycle – tái chế and recover – phục hồi), với trọng tâm giảm thiểu lãng phí tài nguyên và thúc đẩy các hệ thống sản xuất hiệu quả.

Các chữ “R” này được các nhà hoạch định chính sách áp dụng một cách có chọn lọc. Ví dụ, ba mục tiêu của Khuôn khổ ASEAN (phục hồi kinh tế, sử dụng tài nguyên hiệu quả và tăng trưởng bền vững) đưa ra các ý tưởng về tái sử dụng, tái sản xuất và tái chế.

Tuy nhiên, thay vì cố gắng đưa ra một định nghĩa cụ thể hơn về nền kinh tế tuần hoàn xung quanh các nguyên tắc này, ASEAN đã chấp nhận cách diễn giải rộng rãi về khái niệm này. Ngoài những lo ngại về môi trường, 6 nguyên tắc và 5 ưu tiên chiến lược của Khuôn khổ bao gồm những nhu cầu phát triển rộng rãi hơn như phát triển chuỗi giá trị thông qua tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và áp dụng những công nghệ mới nổi.

Thông qua sự mơ hồ mang tính sáng tạo này, ASEAN rõ ràng đang hướng tới việc sử dụng nền kinh tế tuần hoàn như một “chiếc ô” cho sự phát triển kinh tế tổng thể của mình.

Xua tan nghi ngờ bằng những hành động cụ thể

Phải nói rằng định nghĩa cụ thể về nền kinh tế tuần hoàn vẫn đang được các học giả tranh luận sôi nổi. Một số người chỉ trích định nghĩa này không mạch lạc về mặt khái niệm, trong khi những người khác cho rằng đây là một vỏ bọc để các nhà hoạch định chính sách tránh đưa ra những hành động quyết liệt hơn về khí hậu.

Những tác động của sự thiếu rõ ràng về mặt khái niệm này là sâu sắc. Sẽ khó để thuyết phục các “cổ đông” quan trọng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), bằng lời nói nếu các nhà hoạch định chính sách không thể nói rõ một nền kinh tế tuần hoàn sẽ đòi hỏi những gì.

Tuy nhiên, ASEAN có thể chứng minh mô hình của họ hoạt động thông qua hành động cụ thể. Điểm khởi đầu then chốt có thể là giám sát các dòng chất thải. Cơ sở hạ tầng cho một cơ chế giám sát hạn chế ở các thành phố thí điểm đã có sẵn nhờ Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN. Tổ chức này cũng có thể rút ra những bài học quan trọng về chính sách từ Liên minh châu Âu (EU).

Ví dụ, kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn 2020 của EU đã mở rộng 5 lĩnh vực ưu tiên của kế hoạch năm 2015 trước đó (nhựa, thực phẩm bỏ đi, nguyên liệu thô quan trọng, xây dựng và các sản phẩm dựa trên sinh học) để bao gồm chất thải điện tử.

Điều này diễn ra trong bối cảnh những lo ngại gia tăng về tình trạng ô nhiễm từ đồ điện tử bị thải loại, cho thấy sự đánh giá cao đối với các xu hướng thị trường. Hơn nữa, việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên và kết hợp các nỗ lực chính sách phát triển rộng lớn hơn như Sáng kiến Đô thị châu Âu đem lại những hiểu biết hữu ích cho ASEAN.

Các quốc gia thành viên ASEAN đã ban hành luật về tái chế, như Việt Nam, cũng có thể chia sẻ các kinh nghiệm lập pháp tốt nhất của họ với các nước láng giềng. Luật bảo vệ môi trường 2020 của Việt Nam đã thể chế hóa khái niệm nền kinh tế tuần hoàn. Điều quan trọng là mang lại cơ sở pháp lý cho việc thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, buộc nhà sản xuất và nhà nhập khẩu hàng hóa phải thu gom để tái chế sau sử dụng.

SME nắm giữ “chìa khóa” của nền kinh tế tuần hoàn

Các bước đi được vạch ra ở trên có thể giúp các chính phủ quảng bá về khả năng đạt được nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, “bên tham gia” then chốt phải được giải quyết một cách cụ thể là các SME. Chiếm hơn 90% tổng số công ty ở ASEAN và một tỷ lệ nhân viên tương đương, bất kỳ sự chuyển đổi kinh tế nào ở ASEAN nhất thiết phải có sự tham gia của các SME.

Tuy nhiên, việc thuyết phục các SME chấp nhận các thông lệ kinh tế tuần hoàn sẽ là một thách thức, đặc biệt khi so sánh với các tập đoàn lớn hơn. Nhiều SME vẫn coi tính bền vững về môi trường và tăng trưởng kinh tế là những mục tiêu mâu thuẫn nhau. Hơn nữa, do tương đối thiếu các nguồn lực khi so với các tập đoàn lớn, nên họ có thể ưu tiên phục hồi sau đại dịch COVID-19 hơn là những nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh doanh mới lạ và tốn kém.

Để có được sự ủng hộ của các SME, các chính phủ ASEAN sẽ phải làm nhiều hơn nữa để cho thấy cách thức họ sẽ được hưởng lợi, và cách thức họ có thể nhận được sự hỗ trợ trên hành trình phát triển bền vững của mình. Ví dụ, ở Singapore, Chương trình đối tác bao bì đóng gói đã được phát động vào tháng 3/2021 để hỗ trợ các công ty giảm thiểu chất thải bao bì.

Tất cả những điều này và hơn thế nữa sẽ được kỳ vọng khi Kế hoạch thực hiện ASEAN đối với nền kinh tế tuần hoàn được khởi động vào cuối năm nay. Con đường phía trước đối với những tham vọng về nền kinh tế tuần hoàn của ASEAN sẽ còn nhiều thách thức, nhưng việc thuyết phục các SME về tính khả thi của một sự chuyển đổi như vậy là bước đi cần thiết đầu tiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục