Chiến lược đầu tư nào cho trạng thái bình thường mới?

18:12' - 28/09/2021
BNEWS Bất động sản, tài chính tiêu dùng và xây dựng là điểm sáng đầu tư - đây là nhận định của các chuyên gia đến từ Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM).

Bất động sản, tài chính tiêu dùng và xây dựng là điểm sáng đầu tư. Đây là nhận định của các chuyên gia đến từ Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) tại tọa đàm trực tuyến "Chiến lược đầu tư đón trạng thái bình thường mới" do DCVFM tổ chức cùng Báo điện tử VnExpress vào chiều nay (28/9).

Dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới "sức khỏe” tài chính của người dân. Theo Báo cáo Sức khỏe ngành tài chính và ngân hàng khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Công ty Backbase, 67% người Việt Nam cho biết đang căng thẳng về tình trạng tài chính cá nhân và 33% trong số đó gặp vấn đề về cách quản trị danh mục đầu tư.

Trong khi đó dữ liệu của DCVFM cho thấy, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước không ngừng tăng. Số liệu thống kê chỉ ra rằng, tại thời điểm này, thị trường chứng khoán ghi nhận giá trị vốn hóa gần 300 tỷ USD, chiếm từ 60 - 70% lượng tín dụng trong nền kinh tế với thanh khoản lên tới hơn 825 triệu USD/ngày.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định chiến lược đầu tư, DCVFM, chứng khoán đang dần trở thành kênh tích lũy tài sản lý tưởng tại Việt Nam, đặc biệt trong môi trường lãi suất hiện nay. Với số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục tăng như hiện nay là nền tảng để thị trường tăng trưởng trong dài hạn.

Tuy nhiên, ông Lê Anh Tuấn khuyến nghị các nhà đầu tư cần thận trọng trong chiến lược đầu tư, thay vì chú trọng vào thời điểm tham gia thị trường.

Về chiến lược đầu tư, ông Nguyễn Sang Lộc, CFA - Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư, DCVFM phân tích, đợt dịch lần thứ 4 với ảnh hưởng mạnh mẽ đã làm thay đổi gần như tất cả yếu tố của các ngành nghề trong dài hạn. Về phía DCVFM không dự báo lạc quan về sự phục hồi nhanh chóng của các ngành nghề như vận tải hành khách, nhà hàng, du lịch trong 12-18 tháng tới khi nhiều công ty đã phá sản, việc làm đã mất, tâm lý của người tiêu dùng và lao động chưa thực sự sẵn sàng quay trở lại. 

Thay vào đó, DCVFM nhận thấy điểm sáng trong ngành tài chính, bất động sản và xây dựng. Đây là những ngành nghề sẽ được hưởng lợi lớn khi nền kinh tế phục hồi. Điều này đến từ những động lực tăng trưởng kinh tế như tăng cường đầu tư công, giải ngân vào các dự án xây dựng hạ tầng trong thời gian tới. Từ đó,  bù đắp hoạt động của khối kinh tế tự nhân đang yếu. Ngoài ra, lãi suất duy trì thấp trong thời gian dài nhằm hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp quay lại thị trường.

Giám đốc Hoạch định chiến lược đầu tư DCVFM cũng nhận định, ngành bất động sản, tài chính tiêu dùng và xây dựng nói riêng và nhóm ngành sản xuất sẽ giảm rất sâu trong đợt dịch này nhưng tốc độ phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn đợt dịch năm trước trước nhờ chiến lược sống chung với COVID thông qua tiêm chủng vaccine.

Cùng với đó, thực tế tình hình kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định với tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi ở mức hợp lý, cũng như vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trong thời gian giãn cách vừa qua sẽ giúp các ngành này sớm phục hồi hơn so với nhóm ngành dịch vụ.

Trên thị trường, mã cổ phiếu nhóm ngành bất động sản, tài chính tiêu dùng và xây dựng ghi nhận giao dịch tích cực trong thời gian qua, duy trì là các cổ phiếu dẫn dắt thị trường; trong đó, mã cổ phiếu có mức tăng trưởng nóng trong nhóm này trong thời gian qua phải kể tới mã NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) tăng hơn 160% so với thời điểm đầu năm, đứng giá 42.000 đồng/cổ phiếu tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm nay (28/9).

Ngoài ra, một loạt mã cổ phiếu bất động sản, tài chính tiêu dùng và xây dựng như cổ phiếu HT1 của Công ty cổ phần Xi Măng Vicem Hà Tiên, cổ phiếu TPB của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong, cổ phiếu DIG của Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng... cũng đang có thị giá và thanh khoản cao trên thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục