Chiều 29/5, chứng khoán châu Á phần lớn đi lên

16:32' - 29/05/2023
BNEWS Trong phiên giao dịch chiều 29/5, các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn đi lên, sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ đạt được thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ để tránh một vụ vỡ nợ nghiêm trọng.

 

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 317,23 điểm (1,03%) lên 31.233,54 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 0,3% lên 3.221,45 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 1% xuống 18.551,11 điểm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa hôm 28/5 đã đạt được một thỏa thuận tạm thời đình chỉ trần nợ và giới hạn một số chi tiêu liên bang để ngăn chặn kịch bản vỡ nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các bên hiện đã sẵn sàng chuyển thỏa thuận này lên Quốc hội để bỏ phiếu.

Sự thỏa hiệp sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng đã mở ra một lối thoát cho tình trạng bế tắc trước đó. Song, thời hạn 5/6, thời điểm Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn tiền để thanh toán các hóa đơn, vẫn đang đến gần.

 

Công ty chứng khoán IwaiCosmo Securities nhận định những tiến triển trong đàm phán nâng trần nợ tại Mỹ đã thúc đẩy hoạt động mua vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu. Theo các chuyên gia, thị trường đang lạc quan hơn khi bước đột phá trong đàm phán làm giảm nguy cơ vỡ nợ của Mỹ, kịch bản mà các nhà kinh tế đã cảnh báo có thể cản trở nền kinh tế toàn cầu và gây ra hỗn loạn thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay, một số nhà giao dịch đang lo ngại rằng thỏa thuận sơ bộ có nhiều chi tiết có thể khiến các đảng viên đảng Dân chủ cũng như đảng Cộng hòa không hài lòng.

Nicholas Creel, một nhà phân tích tại trường Georgia College and State University nhận định nhìn chung, thỏa thuận sơ bộ có thể được coi là một chiến thắng cho ông Biden và đảng Dân chủ khi bao gồm các khoản cắt giảm chi tiêu khá khiêm tốn và sẽ ngăn chặn một cuộc đàm phán nâng trần nợ khó khăn khác hoặc chính phủ đóng cửa trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.

Theo các nhà quan sát, giới  nhà đầu tư hiện có thể hướng sự chú ý trở lại vào triển vọng kinh tế, mặc dù số liệu vào cuối tuần trước khiến họ có thêm lý do để lo ngại.

Số liệu thống kê cho thấy Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát của Mỹ, đã tăng 4,4% trong tháng Tư vừa qua. Báo cáo này sẽ gây sức ép mới lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc tiếp tục nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, đồng thời “dội gáo nước lạnh” vào hy vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào tháng tới sau hơn một năm liên tục tăng chi phí đi vay.

Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch 29/5, VN-Index tăng 11,22 điểm (1,05%) lên 1.074,98 điểm. HNX-Index tăng 2,67 điểm (1,22%) lên 220,31 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục