Chính sách thuế tài nguyên còn kẽ hở để doanh nghiệp trốn thuế

13:26' - 13/05/2016
BNEWS Chính sách thuế tài nguyên còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở để doanh nghiệp tránh thuế và trốn thuế. Hiện thuế tài nguyên được tính dựa trên sản lượng tính thuế, giá tính thuế và thuế suất.
Quang cảnh hội thảo “Nâng cao hiệu quả ngân sách trong khai thác khoáng sản. Ảnh: Hải Yến/BNEWS/TTXVN

Nội dung cuộc hội thảo “Nâng cao hiệu quả ngân sách trong khai thác khoáng sản. Từ kinh nghiệm thực tiễn đến các giải pháp chính sách” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 13/5 xoay quanh vấn đề về thu thuế tài nguyên thời gian qua.

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, nguồn thu trong lĩnh vực này chưa tương xứng với quy mô khai thác. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt từ 0,9 - 1,1% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011 – 2013.

Nói về vấn đề này, PGS.TS, Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính cho rằng, chính sách thuế tài nguyên còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở để doanh nghiệp tránh thuế và trốn thuế. Hiện thuế tài nguyên được tính dựa trên sản lượng tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Tuy nhiên, sản lượng tính thuế do doanh nghiệp tự tính toán và kê khai. Ngoài ra, giá bán thuế tài nguyên chủ yếu do UBND tỉnh quy định và có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương.

Ông Trường nêu quan điểm, nhìn chung, việc kiểm soát sản lượng khai thác và giá tính thuế còn rất yếu. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên- môi trường chưa hiệu quả. Việc khai thác và xuất khẩu trái phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương gây thất thu ngân sách.

Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia tại hội thảo chia sẻ, khai thác tài nguyên là ngành công nghiệp có nguy cơ thất thoát ngân sách cao.

Bà Trần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh Khoáng sản cho rằng, khai khoáng là lĩnh vực có mức độ rủi ro cao do tính phức tạp về chính trị, tài chính và kỹ thuật.

Các khoản thu như thuế tài nguyên chủ yếu dựa trên sản lượng chất lượng, giá bán và thuế suất. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã lợi dụng nhiều hình thức trốn, tránh thuế: khai báo sản lượng, chất lượng thấp hơn thực tế, không khai báo đầy đủ về các kim loại quý hiếm thu hồi được. Doanh nghiệp tìm mọi cách thiết lập giá bán thấp hơn thực tế, kê khai khống các chi phí, lợi dụng chính sách ưu đãi thuế; chuyển giá.

Trước thực tế này, bà Thủy cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng áp dụng các sáng kiến quốc tế về quản lý thuế. Cụ thể, sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) đã được áp dụng ở 49 quốc gia gồm nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nauy.

Nguyên tắc của EITI là doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ cùng công khai các thông tin trên chuỗi giá trị công nghiệp khai thác từ cấp phép, khai thác, quản trị doanh nghiệp nhà nước, nộp ngân sách và quản lý ngân sách. Các số liệu này được đối chiếu và đưa vào báo cáo EITI. EITI tạo cơ chế so sánh, đối chiếu thông tin hiệu quả giữa các doanh nghiệp và qua đó hỗ trợ quản lý thu.

Bà Thủy đưa ví dụ cụ thể, thông qua báo cáo EITI, Zambia đã phát hiện ra nguồn thu chính phủ từ khai khoáng chỉ chiếm 0,77% tổng giá trị sản xuất; trong đó, 50% số thu này là do 1 doanh nghiệp đóng góp dù Zambia có rất nhiều công ty khoáng sản khai thác ở quy mô lớn.

Tương tự, nhờ số liệu từ EITI, Nigieria đã phát hiện lỗ hổng trong hệ thống thuế và truy thu được 560 triệu đô la Mỹ từ khai thác dầu khí. Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2006. Tuy nhiên, sau 10 năm xem xét, Việt Nam chưa tuyên bố tham gia sáng kiến này.

Hơn 3 thập kỷ qua, ngành khoáng sản của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng về quy mô. Theo thông tin tại hội thảo, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng thế giới vào năm 2012.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn Appatite, 193 nghìn tấn Mangan và nhiều loại khoáng sản khác với sản lượng lớn vào năm 2013.

Ông Trịnh Lê Nguyên (Giám đốc PanNature) cho biết, với quy mô khai thác như trên, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần. Cụ thể, số năm khai thác còn lại của dầu khí là 56 năm, barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì – kẽm là 17 năm và vàng là 21 năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục