Chờ đợi chính sách cho điện gió ngoài khơi

07:57' - 11/09/2022
BNEWS Việt Nam đã cam kết giảm phát thải carbon về 0 (Net-zero) vào năm 2050, cùng đó, trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, sẽ phát triển khoảng 7 GW điện gió ngoài khơi.

Thời gian là không còn nhiều nhưng đến nay, việc phát triển điện gió ngoài khơi dường như vẫn "dậm chân tại chỗ" khi Quy hoạch điện và các quy định, chính sách đi kèm theo vẫn chưa có.

 

Với đường bờ biển trải dài, Việt Nam đã được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng gió vô cùng lớn. Theo ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính khoảng 500 GW về mặt kỹ thuật, là nguồn điện rất lớn so với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, những tiến bộ về công nghệ tua-bin gió, khả năng lưu trữ trong thời gian qua cũng đã tăng cường tính ổn định và khả thi của điện gió ngoài khơi.

Điện gió ngoài khơi hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một trong những nguồn cung chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Tuy vậy, đây vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ với ngành công nghiệp trong nước.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Cường, Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, tới năm 2030 quy mô điện gió ngoài khơi có thể lớn hơn 7.000 MW khi các điều kiện về kinh tế - kỹ thuật cho phép (đặc biệt là giá điện và hạ tầng đấu nối); tới năm 2045 quy mô toàn quốc có thể lên tới 64.500 MW.

Dù thế, để đưa điện gió ngoài khơi vào thực tế, Việt Nam vẫn chưa có Quy hoạch hệ thống tuyến cáp ngầm dưới biển kết nối các dự án để giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái, giao thông vận tải biển và sinh kế ngư dân; vấn đề phân chia ranh giới đầu tư lưới điện đấu nối giữa nhà đầu tư điện gió ngoài khơi với đơn vị quản lý vận hành và đầu tư hệ thống truyền tải (EVN).

Ngoài ra, Việt Nam chưa xác định được rõ nét dự án điện gió ngoài khơi nào sẽ được cấp chủ trương đầu tư, dẫn tới sự bị động trong đầu tư nâng cấp lưới điện đồng bộ với dự án. Các quy trình, thủ tục đầu tư còn phức tạp, sự chồng chéo về quản lý giữa các bộ, ngành địa phương đối với vùng biển, dẫn tới thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài và tiềm ẩn rủi ro trong quá trình thực hiện.

Chia sẻ vấn đề này, ông Stuart Livesey, Tổng Giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, Giám đốc quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) tại Việt Nam cho rằng, việc thiếu rõ ràng trong các chính sách và những rủi ro khác sẽ dẫn đến gia tăng chi phí, nguyên nhân là do các nhà đầu tư phải dự phòng một khoản ngân sách lớn cho các rủi ro trong trường hợp các dự án bị đình trệ hoặc huỷ bỏ. Những rủi ro trên thường xảy ra ở các thị trường mới. Bên cạnh đó, tại Việt Nam hiện nay, vẫn chưa có được bản Quy hoạch Điện VIII hoàn thiện, kèm theo đó là giấy phép khảo sát không gian biển, Quy hoạch không gian biển, quy trình lựa chọn nhà đầu tư minh bạch,…

“Chúng tôi nhìn nhận Quy hoạch không gian biển là một công cụ rất hữu ích giúp định hướng phát triển ngành điện gió ngoài khơi trong việc kết hợp hài hòa với các hoạt động khác trên môi trường biển, như: dầu khí, quốc phòng và an ninh quốc gia, du lịch và giải trí, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, khai thác tổng hợp,… Tuy nhiên, kinh nghiệm toàn cầu cho thấy cần rất nhiều thời gian để xây dựng, thực hiện nhiều cuộc tham vấn giữa các khối nhà nước và tư nhân cùng với các cơ quan ban, ngành của Chính phủ để định hình được một quy hoạch này hoàn thiện ban đầu. Do đó, chiến lược và kế hoạch phát triển ngành điện gió ngoài khơi không nên bị trì hoãn bởi quá trình xây dựng Quy hoạch không gian biển này. Việc tham gia đối thoại để xem xét hài hòa lợi ích cho các bên cùng sử dụng khu vực biển và xác định những hoạt động nào có thể cùng thực hiện với nhau là rất quan trọng”, ông Stuart Livesey chia sẻ.

Trong tương lai gần, với việc ngành điện Việt Nam ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch năng lượng... thì xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới; trong đó có điện gió ngoài khơi là giải pháp đột phá.

Ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực nhận định, mặc dù có những bước phát triển mạnh mẽ, các loại nguồn điện gió, mặt trời gặp phải những khó khăn, thách thức lớn, như: Quy hoạch chưa quản lý hiệu quả, không đồng bộ; thời gian cấp phép đầu tư kéo dài. Đặc biệt, đến nay chưa có quy hoạch không gian biển cho điện gió ngoài khơi; về công nghệ, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nước ngoài.

Chia sẻ từ các doanh nghiệp cho thấy, để phát triển một trang trại điện gió ngoài khơi, có thể kéo dài từ 5 - 11 năm, bao gồm các bước: khảo sát, cấp phép, phát triển dự án, chuẩn bị thi công, thi công, chạy thử... Trong khi đó, thời gian đạt mục tiêu 7 GW chỉ còn 8 năm (đến 2030). Do đó, Việt Nam cần sớm có một khung pháp lý phù hợp, bao gồm tầm nhìn chiến lược, bàn giao không gian biển, kết nối lưới, ưu đãi thuế, khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng. Đặc biệt, cần các giải pháp về kết nối lưới...

Ông Nguyễn Xuân Huy - Cố vấn cấp cao, Trưởng nhóm R&D điện gió ngoài khơi - Công ty cổ phần Xây dựng công trình IPC cho biết, năm 2030 phải đạt 7 GW điện gió ngoài khơi. Các rủi ro được đưa ra là vấn đề địa chính trị, sự chồng lấn của lô dầu khí và lô điện gió ngoài khơi, vấn đề pháp lý trong giao quyền sử dụng không gian biển, chưa rõ phân biệt điện gió gần bờ và ngoài khơi... Bên cạnh đó, các rủi ro kỹ thuật bao gồm cấu tạo địa chất, địa mạo, tác động môi trường, rủi ro của sóng và tốc độ gió, bão. Các rủi ro kinh tế gồm hợp đồng mua bán điện, giá điện, giá sắt thép, tua bin, lãi suất ngân hàng, lạm phát, đường truyền tải xây dựng không kịp hoặc nghẽn. Tất cả các yếu tố rủi ro này cần được tính toán, sớm có giải pháp.

Khuyến nghị cho vấn đề này, TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi, cần sớm có các chính sách hỗ trợ, làm bệ phóng cho sự phát triển. Có thể kể đến như: Chính phủ, các bộ, ngành sớm xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi; cùng đó là sớm có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đi kèm với Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, để đón đầu các dự án, các bộ, ngành cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các năng lượng biển khác...; có Chương trình nghiên cứu khoa học về điện gió ngoài khơi, từ đó đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này, TS Dư Văn Toán cho hay.

"Về phía doanh nghiệp, chúng tôi mong chờ các chính sách và quy định, quy trình rõ ràng để các dự án có thể phát triển đúng tiến độ đề ra với chất lượng cao. Đặc biệt là sự minh bạch ngay từ đầu đối với kỳ vọng về dự án. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc đưa ra các chính sách phù hợp, tránh chồng chéo, gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp", ông Stuart Livesey nêu quan điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục