Chống "được mùa, mất giá" đối với nông sản Lâm Đồng

11:15' - 31/08/2018
BNEWS Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, số lượng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mặc dù đã tăng so với 2017, nhưng việc thực hiện vẫn còn hạn chế.
Một vựa thu mua sầu riêng ở Đạ Huoai khi đang vào thời điểm thu hoạch rộ. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Vẫn còn tình trạng sản phẩm sản xuất ra “được mùa, mất giá”, tình trạng gian lận thương mại nhập nông sản từ nơi khác vào giả mạo nông sản của địa phương để tiêu thụ. Trước thực trạng này, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, ngày 29/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản số 5538/UBND- NN chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp cần thiết đẩy mạnh liên kết. Đó là, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tuyên truyền tới các tổ chức, hộ gia đình việc tham gia các chuỗi liên kết là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất, hạn chế rủi ro.

Cùng đó, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án cùng với nguồn vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển thêm các chuỗi liên kết mới. Ngoài ra, tập trung vào các loại nông sản có lợi thế, nhưng khó bảo quản như rau, hoa và một số nông sản chưa hình thành chuỗi liên kết.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra về gian lận thương mại, nghiên cứu các quy định của pháp luật, Luật sở hữu trí tuệ, quy định về sử dụng thương hiệu, kiểm dịch, an toàn thực phẩm để xử lý vi phạm đối với tình trạng nông sản nhập từ bên ngoài vào giả mạo sản phẩm địa phương.

Các ngành chức năng cũng triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản. Từ đó, giúp người tiêu dùng nhận biết, an tâm sử dụng các loại nông sản có xuất xứ từ Lâm Đồng, nhất là các sản phẩm sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”…

Đến thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng có 120 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, với sự tham gia của 75 doanh nghiệp, 35 hợp tác xã, 42 tổ hợp tác và gần 12.600 hộ nông dân. Trong số đó, có 68 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm, tiêu thụ các loại sản phẩm như sữa tươi, cá nước lạnh, heo, gà…

Mặc dù đã tăng cường phát triển các chuỗi liên kết, nhưng một số loại nông sản chủ lực của Lâm Đồng như chè, cà phê, rau, hoa… tiêu thụ thông qua các chuỗi liên kết còn hạn chế. Một số loại nông sản như thịt bò, hạt điều, trái cây…chưa hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ thông qua hợp đồng.

Thực trạng này đã dẫn đến có những lúc, sản phẩm của người nông dân lâm vào tình trạng “được mùa mất giá”, nhiều loại nông sản khó bảo quản như rau, hoa sản xuất ra phải đổ bỏ do thiếu thị trường tiêu thụ. Hoặc do các sản phẩm từ bên ngoài tràn vào giả mạo nông sản của địa phương, chiếm lĩnh thị trường quen thuộc của các sản phẩm của Đà Lạt, của Lâm Đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hoá trên địa bàn./.

>>>Điều tra vụ hành hung người tham gia giải tỏa đất rừng bị lấn chiếm tại Lâm Đồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục