Chủ tịch điều hành WEF: Doanh nghiệp khởi nghiệp là động lực của công nghệ mới

12:47' - 11/09/2018
BNEWS Theo Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, sự hiện diện của Cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi không chỉ mô hình kinh doanh mà còn tạo ra sự khác biệt đối với các nền kinh tế.
Ông Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang phát biểu tại diễn đàn "ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người". Ảnh: Phương Nga/BNEWS/TTXVN

“Các bạn trẻ, các bạn thanh thiếu niên hãy nắm bắt lấy những cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (IR4), bởi cuộc cách mạng này mang lại rất nhiều cơ hội”.

Đó là lời khẳng định của ông Klaus Schwab - nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tại diễn đàn mở “ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người”. Đây là sự kiện bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) diễn ra tại Hà Nội ngày 11/9.

Ông Klaus Schwab cho rằng trong những năm qua, sự hiện diện của IR4 đã làm thay đổi không chỉ mô hình kinh doanh mà còn tạo ra sự khác biệt đối với các nền kinh tế.

Trong tương lai, quốc gia thành công sẽ là quốc gia có thể nắm bắt cơ hội cũng như ưu thế mà cuộc cách mạng này mang lại. Và để làm được điều đó, ASEAN cần đưa ra những chính sách cần thiết nhằm khuyến khích tinh thần doanh nhân trong xã hội, cũng như tạo ra môi trường cởi mở để chào đón những điều mới.

Bên cạnh đó, việc phát triển kỹ năng cần thiết cũng rất quan trọng. Theo nhà lãnh đạo WEF, thế hệ trẻ là những người có khả năng thích ứng với những kỹ năng đó. Chính vì vậy, “các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc kinh tế, bởi đây là động lực của công nghệ mới”.

Đại diện cho tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Google, ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ khẳng định điểm cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là nền kinh tế số.

Khu vực ASEAN có 10 quốc gia thành viên và khi tập hợp lại có kích thước khá lớn với tốc độ phát triển nhanh tuy nhiên tiềm năng tăng trưởng vẫn còn rất nhiều.

Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đóng góp đến 50% GDP của ASEAN và kiến tạo 80% số việc làm trong khu vực. Do đó, một trong những lĩnh vực cần được chú trọng là làm thế nào để trang bị kỹ năng giúp những doanh nghiệp này khai thác triệt để nền kinh tế số và làm chủ công nghệ.

Trong sự kiện này, đại diện của Google cũng công bố kế hoạch đào tạo kỹ năng đối với 3 triệu chủ sở hữu SME về kỹ năng số đến năm 2020 ở nhiều quốc gia, với cam kết sẽ giúp những doanh nghiệp này cam kết tận dụng các cơ hội của IR4 một cách tốt nhất.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng trong thời gian qua, Việt Nam về cơ bản đã hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, qua đó bước đầu thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội cũng như chủ động ứng phó các tác động của IR4.

Bộ trưởng bày tỏ hy vọng “ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người” sẽ là một diễn đàn thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác nội khối ASEAN và cũng như với toàn cầu, để đưa Đông Nam Á trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khai thác hiệu quả thành tựu của IR4./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục