Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Thực phẩm bẩn đã trở thành quốc nạn
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực phẩm bẩn đang là vấn nạn.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội tỏ ra gay gắt hơn: “Thực phẩm bẩn bị coi là vấn nạn là đúng, nhưng với bản thân tôi thì đây phải là quốc nạn, bởi hiện nay thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ, ở những gánh hàng rong, mà nó đã đi vào cả các siêu thị uy tín – nơi mà rất đông người tiêu dùng gửi gắm niềm tin”.
Vì vậy theo ông Phú, điều đó khiến cho người tiêu dùng rơi vào “ma trận” hàng hóa và không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch. “Tôi khẳng định, đây là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước và chúng ta cần phải nghiêm túc đánh giá để có những giải pháp bảo vệ người tiêu dùng. Theo tôi, vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới tiêu dùng nội địa mà còn ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, hoạt động du lịch” ông Phú nói.
Ông Lê Văn Hưng – Chuyên gia cao cấp – Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam làm rõ khái niệm sạch, bẩn và an toàn dựa trên 4 tiêu chí. Thứ nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh và chất phụ gia được phép hay là bị cấm. Thứ hai là kim loại nặng; thứ ba là số lượng vi sinh vật gây hại có trong hoa quả và thực phẩm và thứ tư là hàm lượng Nitrat (NO3) trong hoa quả.
Ông Hưng cho biết, dư lượng được kiểm soát dưới ngưỡng theo tiêu chuẩn quy định là an toàn. Còn sản phẩm hữu cơ sẽ được kiểm soát ngay từ đầu vào, quá trình sản xuất và chế biến cũng như tiêu thụ. Sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu, không sử dụng kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng, không sử dụng vật nuôi, cây trồng biến đổi gen.
Giải thích thực tế tại sao chúng ta làm nhiều nhưng vẫn không hiệu quả, thực phẩm vẫn bẩn, ông Vũ Vinh Phú cho rằng là do cách làm hiện nay chưa khoa học. Chúng ta không kiểm soát ở sản xuất mà lại kiểm soát ở khâu bán lẻ là chính, tức là không kiểm soát ở gốc mà lại kiểm soát ở ngọn.
Theo ông Phú, nhà nước cần chọn một số loại thực phẩm thiết yếu như thịt lợn, rau, quả để thí nghiệm kiểm soát trước chứ không thể có sức lực, tiền bạc để làm tất cả các mặt hàng. Và kiến nghị, tất cả những thực phẩm dùng cho ăn uống nên miễn tỷ lệ phí và tất cả các chi phí có liên quan, thuế VAT phải bằng 0. Ngoài ra, cần phải thiết lập được chuỗi sản xuất phân phối.
Những thông tin trên được chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Doanh nghiệp phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn ?” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 5/4.
Theo Quyết định 27/CP năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ thì người sản xuất những mặt hàng thiết yếu phải chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng và giá cả khi đến tay người tiêu dùng. Nhưng thực tế, hiện tại chúng ta chưa làm được điều này.
Ông Phú khẳng định: “Nếu vẫn làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay thì đến 10 năm nữa thực phẩm vẫn thế và người chịu thiệt hại nhất vẫn chính là những người tiêu dùng”.
Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm lại đáng báo động như hiện nay. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát và mạnh tay xử lý đối với các trường hợp kinh doanh, vận chuyển… thực phẩm mất an toàn, nhưng thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm hóa chất vẫn tiếp tục tràn vào nhà hàng, quán nhậu và mâm cơm mỗi gia đình với mức độ ngày càng đáng báo động.
Hậu quả là thời gian gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể do ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Các loại hóa chất độc hại có trong lương thực, thực phẩm cũng đã gây nên nhiều loại bệnh; trong đó có bệnh ung thư với trung bình mỗi năm có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới. Số người chết hằng năm do ung thư lên tới 82.000, chiếm 73,5% của tổng số người bệnh.
Bàn tới giải pháp chống thực phẩm bẩn, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp cần liên kết để sản xuất tốt hơn và cùng nhau làm thực phẩm sạch. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ra chỉ thị phát triển các hợp tác xã nông dân, giúp các hộ nông dân phát triển kinh tế; trong đó, có phần kiểm soát thực phẩm từ nguồn.
Ngoài ra cơ quan quản lý cũng phải có chế tài xử phạt. Đi kèm xử phạt phải tăng cường giáo dục và việc giáo dục phải trở thành thói quen để cho mọi người có trách nhiệm.
Cùng chung quan điểm và đồng tình với việc doanh nghiệp cần liên kết trong sản xuất và kiểm soát chất lượng thực phẩm, ông Vũ Doãn Duy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hà Nội Food Việt Nam nhận định, liên kết giữa các doanh nghiệp cần phải trở thành chuỗi cung ứng và phải xây dựng được “luật chơi”.
Các doanh nghiệp có thể tự xây hệ sinh thái sản xuất, hoặc phải tự liên minh lại với nhau để cung ứng cho thị trường những sản phẩm hàng hóa chất lượng và phải thực sự là thực phẩm sạch./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Cách nhận biết thực phẩm không an toàn
10:50' - 08/04/2016
Ngăn chặn thực phẩm không an toàn ra thị trường, Chi cục Thú y Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát khu giết mổ tập trung cũng như các trạm thú y ở các cửa ngõ vào Hà Nội.
-
Kinh tế Việt Nam
Bộ trưởng Cao Đức Phát trao đổi thêm về thực phẩm không an toàn
18:03' - 03/04/2016
Bộ trưởng Cao Đức Phát lý giải do thời gian ở Quốc hội rất hạn chế nên ông đã diễn đạt chưa rõ ràng câu: “Đa số thực phẩm của chúng ta đều an toàn nhưng nhân dân không biết”, khiến người dân bức xúc.
-
Hàng hoá
Thêm 38 điểm bán hàng vào Chuỗi an toàn thực phẩm tại Tp. Hồ Chí Minh
17:59' - 23/12/2015
Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh công bố thêm 38 điểm bán vào danh sách "Chuỗi an toàn thực phẩm" trên địa bàn thành phố theo đề án thí điểm mô hình Chợ an toàn thực phẩm trong thời gian qua.
Tin cùng chuyên mục
-
Xe & Công nghệ
Lạm phát “ghìm cương” thị trường ô tô châu Âu
15:01' - 21/01/2025
Doanh số bán ô tô tại châu Âu năm 2024 tăng trưởng yếu do lạm phát kéo dài, chi phí vay tăng cao và người tiêu dùng thờ ơ với xe điện. Những nhân tố này khiến người dân trì hoãn việc mua xe mới.