Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát tổng thể những dự án đầu tư kém hiệu quả

18:28' - 15/11/2016
BNEWS Chiều 15/11, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

 Không đánh đổi môi trường lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá

Đánh giá sự cố môi trường biển miền Trung là "bài học xương máu", đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Công Thương trả lời câu hỏi về việc vì sao bổ sung dự án Cà Ná vào quy hoạch thép? 

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Trước đó Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định dự án này được quy hoạch đúng quy trình. Bộ trưởng cho biết, hiện Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD các sản phẩm về thép, đến năm 2020 có thể nhập lên đến 15 tỷ USD. Lý do là sản xuất trong nước chủ yếu đáp ứng về thép xây dựng và thép chuyên ngành, còn thép thô phục vụ cán thép, luyện thép chưa đáng kể.

Bộ trưởng cho biết: Mỏ sắt Thạch Khê có quy mô lớn, nếu được khai thác tốt các quặng sắt đưa vào luyện của lò cao để phục vụ sản xuất thép thô, phục vụ cán thép và các ngành sản phẩm thép khác, khả năng có thể đóng góp vào mức tăng trưởng hàng năm khoảng từ 0,3 - 0,4% điểm GDP.

Bộ trưởng Công Thương khẳng định: "Chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có câu chuyện các dự án thép đưa ra đây để đánh đổi vấn đề về môi trường... Tôi khẳng định luôn tại diễn đàn này, cũng không phải là vấn đề lợi ích nhóm... Chúng ta đang hướng tới phát triển một cách hài hòa và bền vững các ngành kinh tế để đảm bảo được nguyên liệu cho các ngành công nghiệp quan trọng, khai thác một cách hợp lý và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia." 

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Đề cập trực tiếp đến Dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Công Thương cho hay dự án này đã có trong quy hoạch giai đoạn 2008-2009. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính thực hiện, dự án này bị đưa ra khỏi quy hoạch. Đến năm 2015, dự án tiếp tục được nghiên cứu, Tập đoàn Hoa Sen đề xuất đưa vào quy hoạch, xin chủ trương đầu tư với cam kết đảm bảo yêu cầu về môi trường, công nghệ. "Đây mới là điều chỉnh quy hoạch và quy hoạch chỉ xây dựng trên cơ sở của những đánh giá lợi thế so sánh và phù hợp thời điểm phục vụ cho phát triển của các dự án đầu tư chứ không phải dự án đầu tư đã được phê duyệt." Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết thêm, trong quá trình xây dựng các dự án thép, không chỉ có dự án thép Cà Ná mà còn có Dự án thép Dung Quất, cũng như các dự án thép trong quy hoạch về thép sẽ phải đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật, đặc biệt phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ môi trường, dựa trên bài học đã rút ra từ vụ việc Formosa.

Đảm bảo quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp

Trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội về kiểm soát kinh doanh đa cấp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thực tế bán hàng đa cấp đã được cấp phép khi Việt Nam tham gia WTO, hoạt động dựa trên các khuôn khổ pháp lý từ năm 2014 và đã được sửa theo hướng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các quy định pháp luật đã bộc lộ các vấn đề trong quản lý nhà nước và trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Đó là các khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện; công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chưa thực sự bài bản, chưa rạch ròi, đảm bảo phân cấp quản lý theo quy định. Một vấn đề lớn phải nhìn nhận là bán hàng đa cấp có sức thu hút lớn với người dân vì có những hành vi tuyên truyền cố tình làm sai lạc bản chất của bán hàng đa cấp, hướng vào những lợi nhuận "siêu khủng" để thu hút một bộ phận lớn người dân tham gia, biến tướng thành hình thức kinh doanh tài chính ảo, gây nguy cơ thất thoát, làm mất mát tài sản của người dân và nhà nước.

Theo Bộ trưởng Trần Anh Tuấn, từ cuối năm 2015, khi nhận thấy những dấu hiệu biến tướng của bán hàng đa cấp, bộc lộ những bất cập trong khuôn khổ pháp lý, Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra, đánh giá, phát hiện hàng loạt doanh nghiệp có dấu hiệu gian dối, trục lợi bất chính.

Cụ thể đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành hai chỉ thị để tăng cường công tác kiểm tra và phối hợp với chính quyền, Sở Công Thương các địa phương để kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp tại các địa bàn. Đến nay, qua kiểm tra 67 doanh nghiệp, Bộ đã rút giấy phép kinh doanh của 25 doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính; đã xử phạt hơn 10 doanh nghiệp khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: Bộ Công Thương đã nhìn nhận trách nhiệm của Bộ và tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ nhằm sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và các thông tư hướng dẫn để khắc phục những tồn tại, bất cập mà các cơ quan quản lý chưa làm được. Những yếu kém trong tuyên truyền, cung cấp thông tin để xã hội hiểu và tham gia hoạt động bán hàng đa cấp đúng pháp luật, đúng bản chất cũng sẽ được quan tâm trong thời gian sắp tới.

Bộ trưởng cho biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị mới về hoạt động và quản lý bán hàng đa cấp, đã nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương. Về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc chậm phản ứng chính sách, ban hành kịp thời các nội dung điều chỉnh khuôn khổ pháp lý, Bộ trưởng nêu rõ đang tiếp tục xem xét và sẽ có hướng làm rõ trong thời gian tới.

Trước mắt, cần tiếp tục tập trung các giải pháp để đảm bảo quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp, nhất là khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa đảo, sẽ xử lý nghiêm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nắm chắc lĩnh vực quản lý

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Nhóm vấn đề Quốc hội lựa chọn đưa ra chất vấn là phù hợp, thu hút sự quan tâm của cử tri.

Nội dung chất vấn tập trung vào nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp đối với các dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả; công tác quản lý nhà nước đối với vật tư nông nghiệp (đặc biệt là phân bón giả, kém chất lượng), quản lý thị trường, bán hàng đa cấp; thủy điện gắn với thủy lợi, đảm bảo an toàn xả lũ....

Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Đại biểu Quốc hội hỏi thẳng thắn, bám sát thực tiễn, có sự tranh luận. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tuy lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng nắm chắc tình hình, nhất là những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực của ngành Công Thương quản lý. Bộ trưởng đã thẳng thắn trả lời làm rõ những vấn đề Quốc hội nêu và hướng khắc phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số câu trả lời còn dài, chưa làm rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục nên đã có sự tranh luận trở lại của các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, tham mưu Chính phủ làm rõ một số vấn đề cụ thể: Chủ động, tích cực rà soát và báo cáo tổng thể những công trình, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để xảy ra thất thoát; rà soát lại quy hoạch phát triển các dự án có liên quan đến môi trường, đời sống của người dân, đặc biệt là các dự án ven biển, trong đó có Dự án thép Cà Ná để báo cáo Quốc hội; làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quản lý các dự án thua lỗ kém hiệu quả, có giải pháp khẩn trương, quyết liệt, cụ thể để khắc phục từng dự án, tránh tiếp tục thất thoát gây lãng phí.

Bộ tiếp tục tổng rà soát công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện việc xả lũ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, giải pháp khắc phục hiệu quả để không xảy ra sự cố, không để xảy ra tình trạng xả lũ đúng quy trình nhưng vẫn gây thiệt hại cho người dân; quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, sớm xây dựng hoàn chỉnh bộ tiêu chuẩn quốc gia về phân bón, có cơ chế phối hợp và phân công rõ ràng trong quản lý nhà nước về mặt hàng này.

Bộ Công Thương triển khai nghiêm và đầy đủ quy định của pháp luật liên quan tới quản lý thị trường, đấu tranh với hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; có chính sách hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước... Bộ Công Thương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực và các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, phối hợp tốt với các bộ, ngành, giải quyết tốt các lĩnh vực ngành quản lý...

Ngày sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương là phần đăng đàn, trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục